"Cần có một cơ quan để thẩm định việc Formosa hoạt động thời gian qua"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ nên có thông điệp hết sức minh bạch khi giải quyết vấn đề về môi trường, nếu dự án nào không thỏa mãn tiêu chí về môi trường thì cần dừng ngay.
"Cần có một cơ quan để thẩm định việc Formosa hoạt động thời gian qua" ảnh 1Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Chính phủ nên có thông điệp hết sức minh bạch đối với tất cả các doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên lề kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (21/7), đại biểu Trần Hoàng Ngân đã có một số trao đổi với phóng viên ​trong việc đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

- Xin ông cho biết những đánh giá của mình sau sự kiện môi trường của Formosa khiến nhiều người dân miền Trung bị ảnh hưởng?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Theo tôi đây là vấn đề lớn có tác động đến đời sống của nhiều người dân các tỉnh miền Trung do vậy, Ủy ban kinh tế của Quốc hội cần tăng cường giám sát và trả lời cho thỏa đáng cho các cử tri về dự án này.

Có thể thấy, những chính sách đã hỗ trợ cho người dân cũng khó có thể bù đắp được những tổn thương mà ngành kinh tế biển, kể cả người dân và kể cả tài nguyên thiên nhiên biển hiện nay, cho nên chúng ta cần xem xét thận trọng và có một cơ quan để thẩm định việc Formosa hoạt động trong thời gian qua.

- Thực tế, dự án này đã đầu tư rất nhiều nhưng với những diễn biến về môi trường vừa qua, theo ông cần có hướng xử lý như thế nào với dự án ​này?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, Chính phủ nên có thông điệp hết sức minh bạch khi giải quyết vấn đề về môi trường, không thể chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam, kể cả doanh nghiệp 100% vốn trong nước và liên doanh cần phải rà soát lại các hoạt động của mình.

Khi rà soát lại, nếu dự án nào không thỏa mãn tiêu chí về môi trường thì cần dừng ngay và Formosa là một tiêu điểm mà chúng ta cần làm rõ.


- Vậy với Formosa, theo ông có nên xem xét việc dừng dự án này không? và việc dừng thì cần có những hướng đi cụ thể như thế nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Câu hỏi này chúng ta nên chất vấn Bộ trưởng và Chính phủ trong thời gian tới về vấn đề hậu quả khi dừng dự án này.

Nhưng tôi nghĩ hậu quả của nó sẽ không lớn bằng hậu quả nếu để một doanh nghiệp, một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về mặt môi trường lại tàn phá môi trường Việt Nam trong thời gian tới, bản chất là bản chất nên ta phải chấp nhận chuyện đó.

Tuy vậy, muốn hay không thì để dừng một dự án thì các bằng chứng đưa ra phải thuyết phục để tránh ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác.

Hiện nay, chúng ta cũng đang cần sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong xu thế hội nhập, cho nên chúng ta làm việc phải rõ ràng, minh bạch và có cơ sở khoa học.

Nnhư vậy, ​cần có một Ủy ban để chúng ta thẩm định và xem xét toàn bộ sự kiện của Formsa dưới sự giám sát của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban khoa học Công nghệ của Quốc hội nhằm làm rõ ​và công bố sớm ​những tác động đến môi trường của Formosa.

- Từ bài học Formosa, về mặt xây dựng pháp luật chúng ta sẽ cần hoàn thiện những gì thưa ông?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Trước tiên, chúng ta cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ cho ngư dân và hộ nghèo, hộ dân đang bị tổn thương về môi trường biển do Formosa gây ra và kể cả ngành du lịch của các tỉnh miền Trung cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn và cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ đó.

Mặt khác, cần rà soát lại vấn đề phục hồi môi trường biển hiện nay cũng như kiểm tra lại hệ thống xử lý chất thải của các doanh nghiệp ven biển, những doanh nghiệp có khả năng ảnh hưởng đến môi trường.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp không chỉ nước ngoài cũng đang gây ảnh hưởng đến môi trường, cho nên cần tăng cường rà soát lại. Hơn nữa, cần phải có kiến nghị kịp thời để sửa hoặc hoàn thiện lại thể chế và luật pháp trong việc phân công, phân cấp trong vấn đề quản lý môi trường và thống nhất về một bộ duy nhất để quản lý.

Chúng ta đã có bài học về vấn đề quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm, mặc dù đã có 3 bộ cùng quản là Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... nhưng cuối cùng ảnh hưởng về An toàn vệ sinh thực phẩm đối với cuộc sống người dân vẫn bị tác động nghiêm trọng, nên cần thống nhất và mạnh dạn giao về cho một bộ quản lý.

- Một vấn đề rất lớn là việc giám sát các dự án trong thời gian qua đã thực hiện tốt chưa, thưa ông?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Rõ ràng chúng ta thấy rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng tiêu cực vẫn xảy ra, cho nên đây cũng là điều kiện để chúng ta rà soát lại hiệu quả của các đoàn giám sát đó để làm rõ.

Tôi nhắc lại yếu tố niềm tin của thị trường đối với bộ máy vận hành của Chính phủ hiện nay thì chúng ta đang đi đúng hướng và như vậy chúng ta hãy tự tin hơn và đồng thuận hơn trong việc làm minh bạch hóa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn không chỉ là của nước ngoài mà kể cả khu vực dân doanh của đất nước, vì nguồn lực ngân sách nhà nước đã đến mức tối đa rồi.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục