"Cần đặt đúng vị trí của kinh tế tư nhân trong cải cách kinh tế"

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần phải đặt đúng vị trí của nền kinh tế tư nhân trong cải cách kinh tế. Đây là khu vực có sức phát triển và còn nhiều tiềm năng.
"Cần đặt đúng vị trí của kinh tế tư nhân trong cải cách kinh tế" ảnh 1Ông Ngân cho rằng các doanh nghiệp cần tạo ra mối liên kết để cùng phát triển. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 23/10, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Một trong những nội dung được bàn luận sôi nổi chính là xác định vai trò của kinh tế tư nhân.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần này đã có điểm nhấn là nâng vai trò của kinh tế tư nhân, một động lực giúp tăng trưởng nền kinh tế. Việc xác định này giúp Nhà nước đề ra nhiều chính sách cũng như giải pháp hỗ trợ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao, nhất là trong quá trình hội nhập sâu rộng.

Bên lề kỳ họp​, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã có một số chia sẻ với phóng viên về vai trò của cải cách thể chế trong việc thúc đẩy lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển.

- Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ 12 đã đề cập nhiều đến các chính sách hỗ trợ sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân. Theo ông điểm nhấn trong các chính sách này sẽ tạo ra những đột phá như thế nào giúp thành phần kinh tế này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tính trên địa bàn ​Thành phố Hồ Chí Minh, thành phần kinh tế tư nhân đang đóng góp cho GDP thành phố trên 60%, đây là khu vực có sức phát triển và còn nhiều tiềm năng.

Việc khẳng định trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này rất đúng hướng, vấn đề chính phải là cụ thể hóa trong các văn bản cũng như thể chế nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường, qua đó tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Theo tôi, một đột phá nữa chính là việc đưa luật doanh nghiệp nhà nước vào thành một luật doanh nghiệp chung cho các thành phần kinh tế, điều này cho thấy thể chế kinh tế của Việt Nam cũng theo hướng thị trường.

- Vậy để thúc đẩy và phát huy những điểm mạnh của thành phần kinh tế tư nhân, theo ông nên có những biện pháp nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Theo tôi chúng ta cần làm tốt hơn dịch vụ hành chính công đối với các doanh nghiệp, phục vụ hỗ trợ các doanh nghiệp và nhất là thành phần kinh tế tư nhân.

Vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị 34 của Ban thường vụ ​Thành ủy. Trong đó hướng đến việc cải cách hành chính, tạo điều kiện để bộ phận hành chính dịch vụ công hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và thành phần kinh tế tư nhân nói riêng trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại và thủ tục hành chính. Đây là việc mà lâu nay được ​xem là lực cản đối với các doanh nghiệp khi đến các cơ quan công quyền.

Theo tôi, việc này cần nhân rộng và lan tỏa đến các tỉnh thành khác nhằm thúc đẩy cải cách hành chính cũng như con người hành chính, làm sao gắn bộ máy hành chính với hiệu quả công việc.

Ở một số nước, khi doanh nghiệp cần các thủ tục hành chính thì họ chỉ cần nhờ một bộ phận của nhà nước, một dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và bộ phận đó đứng ra để lo các thủ tục hành chính, trong khi doanh nhân chỉ lo các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh thôi, không cần phải chạy chỗ này chỗ khác để xin cấp giấy phép, lên Sở này hoặc Sở khác.

Bởi vì bộ phận hành chính công ý thức rằng, chính doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, chính doanh nghiệp tạo ra nguồn ngân sách nhà nước để nuôi bộ máy hành chính. Như vậy, bộ máy hành chính phải có tác động ngược trở lại và người ta luôn quan tâm hỗ trợ để tạo ra môi trường để nơi đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động, qua đó cũng nâng nguồn thu và tạo được công ăn việc làm.

- Có ý kiến cho rằng, mối liên kết giữa các thành phần kinh tế hiện còn khá lỏng lẻo, nhất là trong bối cảnh hội nhập? ​Vậy ở góc độ đại biểu Quốc hội ông có ý kiến như thế nào để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hiện nay?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra vấn đề sở hữu trí tuệ rất lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong xu thế cạnh tranh hội nhập thì sự liên kết trở thành vấn đề bức xúc và cấp thiết, cho nên bản thân doanh nghiệp cũng đã thấy điều đó.

Thậm chí ngay cả ở góc độ người nông dân, việc sản xuất nhỏ cũng không ổn, do vậy cũng hình thành việc liên kết thành các tổ hợp tác tự nguyện để tạo ra những cánh đồng mẫu lớn và như vậy mới ứng dụng được các thành tựu khoa học công nghệ.

Bản thân doanh nghiệp cũng vậy, phải tạo ra được chuỗi liên kết với nhau chứ không phải tự mình cạnh tranh để giết chết lẫn nhau và phải biết được thế mạnh của mình. Do đó, về chính sách cũng cần đặt ra vấn đề liên kết vùng và phải làm tốt công tác quy hoạch về kinh tế ở từng thành phố, tỉnh, tránh tình trạng cùng nhau đổ xô hình thành các khu công nghiệp (như dệt may, tỉnh nào cũng có dẫn đến khủng hoảng thừa). Cần phải có quy hoạch vùng, phân chia ra thế mạnh của từng địa phương để có thể phát triển đúng hướng và tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc sử dụng các nguồn lực.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục