Cần điều chỉnh chính sách dân số phù hợp từng địa phương

Điều chỉnh, ban hành các chính sách, giải pháp nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý của từng địa phương, từng vùng miền là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay.
Cần điều chỉnh chính sách dân số phù hợp từng địa phương ảnh 1(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng dân số nhưng theo dự báo của Liên hợp quốc, mức sinh của Việt Nam vẫn biến động khó lường, có thể tạo ra điều kiện thuận lợi nhưng cũng có thể gây ra những bất lợi đối với sự phát triển của đất nước.

Vì vậy, việc điều chỉnh, ban hành các chính sách, giải pháp nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý của từng địa phương, từng vùng miền nhằm phát huy tối đa lợi thế của dân số đối với sự phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay.

Dấu hiệu giảm sinh tại một số tỉnh, thành phố

Kể từ khi chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được triển khai vào năm 1961, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (tổng tỷ suất sinh) đã giảm từ 6,4 con (1960) xuống 2,05 con (2012), trong khi trung bình của thế giới giảm từ 5 con xuống 2,5 con.

Đặc biệt từ đầu thập niên 1990, mức sinh giảm nhanh. Năm 2006, Việt Nam đã đạt và duy trì mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh 2,1 con) và từ đó đến nay mức sinh luôn dưới mức sinh thay thế.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trên nhưng Việt Nam cũng phải đối diện với thách thức sau đó bởi những ảnh hưởng từ xu hướng giảm sinh. Xu hướng giảm sinh không đồng đều, sự chênh lệch về mức sinh giữa thành thị và nông thôn, các vùng miền, học vấn của phụ nữ có khoảng cách rất rõ.

Cụ thể, tổng tỷ suất sinh của khu vực nông thôn là 2,14 con/phụ nữ, khu vực thành thị là 1,8 con/phụ nữ. Với các vùng miền, mức sinh cao nhất là khu vực Tây Nguyên (2,65 con/phụ nữ) và trung du miền núi phía Bắc (2,24 con/phụ nữ), Đồng bằng sông Hồng (2,11 con/phụ nữ).

Đặc biệt, một số khu vực, mức sinh đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ (1,69 con/phụ nữ) và Đồng bằng sông Cửu Long (1,84 con/phụ nữ). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh hiện là địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước và giảm rất nhanh, từ 1,45 con (2009) xuống 1,3 con (2011) và 1,33 con (2012).

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, để đạt được mức sinh thay thế đã khó nhưng duy trì được mức sinh thay thế, tránh rơi vào tình trạng suy giảm mức sinh còn khó hơn nhiều lần. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong số 85 quốc gia và vùng lãnh thổ này có tới 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức sinh từ 1,8 con trở xuống.

Ở châu Âu, gần nửa thế kỷ qua đi, hầu khắp các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ tích cực cho việc tăng sinh như thưởng tiền, ưu đãi về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở… nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi, mức sinh còn thấp và quy mô dân số tiếp tục thu hẹp.

Các quốc gia đã trải qua xu hướng giảm sinh như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu bảo trợ xã hội của dân số già. Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động đang thu hẹp lại dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.


Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng để duy trì các kết quả đã đạt được, Việt Nam không thể buông lỏng công tác dân số. Sự phát triển bền vững của dân tộc, đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào con người hay nói cách khác, phải phụ thuộc vào quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Nhiệm vụ của Bộ Y tế, mà cụ thể là Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số và duy trì mức sinh thấp hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết trước tình hình biến động về mức sinh tại Việt Nam, t hông điệp của ngành dân số đã có sự thay đổi từ "Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 đến 2 con" chuyển thành "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con."

Thông điệp mới này về cơ bản không thay đổi so với trước mà chỉ bao gồm hàm ý cần duy trì mức sinh hợp lý, không để mức sinh giảm xuống quá thấp, nhất là với một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh xung quanh.

Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có đề ra mục tiêu chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số và duy trì mức sinh thấp hợp lý, phấn đấu từ nay đến năm 2020, mức sinh được duy trì trong khoảng 1,8-2 con/phụ nữ.

Việc duy trì mức sinh thấp hợp lý (2 con/phụ nữ) nhằm đảm bảo khả năng tái sinh sản của dân số, trong bối cảnh già hóa dân số tăng; đồng thời đảm bảo sự hài hòa các nhóm tuổi và giới tính. Điều này cũng giúp Việt Nam có một cơ cấu dân số tối ưu, tiến tới sớm ổn định quy mô dân số; đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững; đầu tư giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và cải thiện an sinh xã hội vì sự thịnh vượng của đất nước.

Duy trì mức sinh hợp lý cũng giúp Việt Nam tránh được những hệ quả bất lợi của mức sinh quá thấp (thiếu lao động, già hóa dân số nhanh, tăng nhu cầu về an sinh xã hội, mất cân đối nền kinh tế…) hay mức sinh quá cao (áp lực lớn về y tế, giáo dục, việc làm…).

Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân), Việt Nam đã đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con.”

Thành tựu này tác động mạnh mẽ và toàn diện đến sự phát triển của Việt Nam theo cả hai hướng mang lại cơ hội và nảy sinh những thách thức mới. Do vậy, đây là thời điểm cần thay đổi chính sách để giải quyết những vấn đề dân số mới ở Việt Nam.

Việt Nam nên chuyển đổi từ chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh sang chính sách dân số và phát triển. Hiện nay và trong tương lai, khi mức sinh đã giảm bền vững dưới mức sinh thay thế, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì trọng tâm của chính sách dân số cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh phát triển mới như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mất cân bằng giới tính khi sinh; già hóa dân số.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục