Cần đường dây nóng thực sự để doanh nghiệp đối thoại về hoàn thuế?

Đại diện công ty Ernst & Young Việt Nam cho rằng, các cục thuế địa phương nên lập thêm đường dây... thực sự "nóng" để người nộp thuế có thể đối thoại trực tiếp.
Cần đường dây nóng thực sự để doanh nghiệp đối thoại về hoàn thuế? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chưa đánh giá về hiệu quả những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế thời gian gần đây của Bộ Tài chính, đại diện công ty Ernst & Young Việt Nam cho rằng, các cục thuế địa phương nên lập thêm đường dây... thực sự nóng để người nộp thuế có thể đối thoại trực tiếp và biết cán bộ thuế đang làm việc với mình làm đúng hay sai.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam về vấn đề đang được quan tâm này.

- Nhiều doanh nghiệp thời gian gần đây "kêu" nhiều về việc thiếu vốn vì chậm được hoàn thuế. Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận tình trạng trên và chỉ ra một số nguyên nhân từ quy định hiện tại. Là người đồng hành cùng doanh nghiệp trong nhiều năm, theo bà nguyên nhân tình trạng trên thực chất do đâu?

Bà Hương Vũ: Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có kế hoạch tài chính, họ mong có lượng tiền hợp lý để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc hoàn thuế khó khăn chắc chắn ảnh hưởng tới lưu lượng tiền của doanh nghiệp.

Thực tế, nước nào cũng có chính sách hoàn thuế và quy định quy trình chặt chẽ bởi tiền hoàn thuế lấy từ ngân sách Nhà nước. Việt Nam hiện cũng có chính sách chặt chẽ nhưng theo bản thân tôi quan sát, một số doanh nghiệp cảm thấy, kể cả họ tuân thủ tốt quy định, pháp luật nhưng hoàn thuế vẫn rất khó.

Tôi thấy nguyên nhân rất nhiều từ cơ quan thuế. Cán bộ thuế khi đi kiểm tra, thanh tra đòi hòi tài liệu, bằng chứng không phù hợp với thực tế kinh doanh. Điều này tôi cũng không hiểu tại sao, có thể cán bộ thuế sợ trách nhiệm, họ thấy hồ sơ theo văn bản pháp quy vẫn chưa ổn nên đòi hỏi thêm.

Ví dụ, tại cách thành phố hiện nay có nhiều "doanh nghiệp toàn cầu," họ sử dụng hệ thống phần mềm liên kết với hàng trăm nhà cung cấp. Lúc đó không có quy trình mang tính truyền thống như xưa nữa nhưng cán bộ thuế vẫn đòi chứng minh thanh toán có nghiệm thu, in ra ký, có bên mua bên bán. Cán bộ thuế không hiểu được điều này nên doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia hoàn thiện 1 quy trình trong sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cán bộ thuế có thể vẫn đòi hỏi "sản phẩm đâu, hình hài ra sao." Rõ ràng, ta kêu gọi đầu tư, hội nhập nhưng cán bộ thuế đã thực sự hội nhập, hiểu biết hay chưa?

Cần đường dây nóng thực sự để doanh nghiệp đối thoại về hoàn thuế? ảnh 2Bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam. (Ảnh: Phạm Thắng/Vietnam+)

Lại có trường hợp, doanh nghiệp có trụ sở chính tại thành phố này nhưng đơn vị kinh doanh ở tỉnh khác. Đơn vị ở tỉnh chưa có mã số thuế nên tạm thời trụ sở chính mua máy móc, thiết bị cho đơn vị đó và sẽ được hoàn thuế sau.

Trường hợp này ngành thuế đồng ý cho hoàn nhưng thực tế, thành phố có trụ sở chính của doanh nghiệp thì đẩy về địa phương vì nói đó là tài sản liên quan tới hoạt động kinh doanh tại địa phương đó. Địa phương có đơn vị kinh doanh lại bảo nghiệp vụ trên xảy ra trước khi chi nhánh thực hiện kinh doanh tại địa phương. Người ở giữa là nhà đầu tư, không biết hoàn thuế ở đâu.

- Bộ Tài chính ngay trong tuần này đã đưa ra một số giải pháp như xóa bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp nộp hết nợ mới được hoàn thuế hoặc quy định thời gian 6 giờ làm việc để Tổng cục Thuế kiểm tra, phản hồi với cục thuế địa phương. Theo bà, những giải pháp này liệu có phát huy hiệu quả thời gian tới?

Bà Hương Vũ: Tôi nghĩ chúng ta phải đi vào thực chất vấn đề. Thời gian hoàn thuế giảm xuống 6 ngày hoặc thậm chí 1 ngày thì về lý thuyết là có ý nghĩa nhưng điều khó khăn không phải là ở mấy ngày.

Vấn đề là tư duy cán bộ thuế đi kiểm tra hoàn thuế có với tinh thần tháo gỡ cho doanh nghiệp hay không. Họ có nghĩ đòi hỏi của mình đem lại khó khăn ra sao cho doanh nghiệp. Nhiều khi có thể chỉ là vô tình nhưng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo tôi, tinh thần của ngành tài chính phải làm sao xuyên suốt đến từng cán bộ thuế mới là điều quan trọng. Tất nhiên, đây là vấn đề không phải một sớm một chiều nhưng đã tới thời điểm phải nghĩ tới điều đó.

- Tuy nhiên ở góc nhìn cơ quan quản lý, song song với hoàn thuế nhanh chóng, việc quản lý chặt chẽ tiền hoàn thuế, tránh tình trạng lợi dụng để lấy tiền ngân sách Nhà nước cũng vô cùng quan trọng. Theo bà, làm sao để dung hòa giữa 2 vấn đề này?

Bà Hương Vũ: Hiện tại, nhà đầu tư xem luật thuế thì thấy từ đối tượng hoàn thuế, quy trình hoàn tới những tài liệu yêu cầu hoàn thuế đều vô cùng rõ ràng. Theo tôi, cán bộ thuế đi tới doanh nghiệp với tinh thần hỗ trợ và theo đúng luật là đã đủ kiểm soát được doanh nghiệp.

Hiện quyền của cán bộ thuế quá lớn. Họ có thể đòi bất cứ tài liệu gì họ muốn. Tôi có ý tưởng liệu cục thuế địa phương có thể xây dựng đường dây nóng thực sự "nóng." Đường dây này phải có người trực, người nộp thuế có thể đối thoại trực tiếp với đường dây nóng để biết cán bộ thuế đang làm việc với mình làm đúng hay sai. Tôi nghĩ cách làm như vậy có thể giảm phần nào đó khó khăn cho doanh nghiệp./.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục