"Cần lắp đặt thiết bị quan trắc vào máy bay để giám sát biển"

Việc quan trắc, giám sát biển bằng máy bay sẽ góp phần quan trọng cho việc phát hiện tràn dầu, đo mức độ ô nhiễm, phát hiện tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo Việt Nam.
"Cần lắp đặt thiết bị quan trắc vào máy bay để giám sát biển" ảnh 1Công nghệ giám sát biển, phát hiện tràn dầu bằng máy bay. (Ảnh: Công ty cổ phần Aerodata)

Trong bối cảnh mức độ tràn dầu và ô nhiễm trên biển đang có xu hướng gia tăng, thì việc sử dụng máy bay tích hợp các thiết bị quan trắc, giám sát biển (như hệ thống radar, tia hồng ngoại, sóng laser…) sẽ góp phần quan trọng cho việc phát hiện tràn dầu, đo mức độ ô nhiễm, phát hiện tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo Việt Nam.

Tuy nhiên, để sở hữu một chiếc máy bay tích hợp đầy đủ các thiết bị giám sát biển và giám sát tràn dầu, Việt Nam sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí rất lớn, với giá 15 triệu USD. Thay vì đầu tư mới, cơ quan “giám sát biển” cũng có thể ứng dụng các thiết bị quan trắc, giám sát hiện đại vào máy bay chuyên dùng, để giảm mức đầu tư.

Đây là một trong những giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường biển vừa được ông Bodo Gerlach, đại diện Công ty cổ phần Aerodata (Cộng hòa Liên bang Đức) đưa ra tại hội thảo giám sát biển và giám sát tràn dầu tổ chức ngày 9/12, tại Trung tâm Việt-Đức (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Theo ông Bodo Gerlach, việc sử dụng máy bay tích hợp các thiết bị quan trắc, giám sát biển và tràn dầu là một trong những công cụ đã được nhiều quốc gia vùng biển đầu tư, để hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn vùng biển và an ninh quốc gia, khu vực.

“Là quốc gia có vùng biển lớn đồng thời là cửa ngõ giao thương của nhiều quốc gia khu vực, tôi nghĩ Việt Nam nên chú trọng vào việc ứng dụng máy bay tích hợp các thiết bị giám sát biển, giám sát tràn dầu hiện đại này,” ông Bodo Gerlach khuyến nghị.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia trong nước, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Cảng biển-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho rằng quan trắc bằng máy bay là công nghệ không mới và đã được nhiều nước sử dụng. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam lại đang thiếu công nghệ này, bởi lý do đầu tư rất tốn kém.

“Trong bối cảnh công nghệ quan trắc của Việt Nam đang còn hạn chế và thiếu các trạm quan trắc trên biển, tôi nghĩ chúng ta cần hướng đến việc quan trắc bằng máy bay để công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển-hải đảo được tốt và hiệu quả hơn,” ông Sơn nói.

Vị đại diện Vinalines cũng lưu ý, để đầu tư một chiếc máy bay mới với đầy đủ thiết bị quan trắc là rất tốn kém. Do vậy, Việt Nam cần xem xét lắp đặt thêm các thiết bị vào một số máy bay dân dụng và máy bay tìm kiếm cứu nạn trên biển để vừa đảm bảo an toàn, vừa phục vụ được công tác quan trắc cũng như giảm chi phí đầu tư.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng cùng với các thiết bị quan trắc như hệ thống radar biển, tàu điều tra…thì quan trắc bằng máy bay là một giải pháp rất quan trọng để quản lý, giám sát tài nguyên và môi trường biển đảo.

“Với công nghệ quan trắc bằng máy bay, nó có lợi thế là có thể cho ra những hình ảnh, bằng chứng tức thời.

Ví dụ như tràn dầu, hay tai nạn, sự cố. Ngoài việc quan trắc, phương tiện giám sát này cũng có thể tham gia vào mục tiêu tìm kiếm cứu nạn, định vị cho lực lượng cứu nạn đến xử lý kịp thời. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ quan trắc bằng máy bay là rất cần thiết,” ông Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục