Cần lấp những khoảng trống trong quản trị công ty

Ở Việt Nam, dù đã có hệ thống nguyên tắc quản trị công ty tương đối tốt song việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều khoảng trống.
“Hiện nay ở Việt Nam, khái niệm và các nguyên tắc quản trị công ty được truyền tải, quy hoạch thành hệ thống trên hình thức giấy tờ thì tương đối tốt, song thực đi vào thực hiện lại là khoảng cách khá xa,” tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản kinh tế Trung ương nhận xét trong buổi ra mắt ấn phẩm “Cẩm nang Quản trị Công ty” do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xuất bản.

Những khoảng trống trong quản trị công ty

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, những tiến bộ về quản trị công ty chủ yếu trong khu vực doanh nghiệp niêm yết.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước cần thiết phải đi đầu trong quản trị công ty, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của  khu vực kinh tế khác, thông qua hệ thống các giao dịch cạnh tranh, minh bạch. Song những doanh nghiệp nhà nước đi tiên phong về quản trị công ty chưa nhiều.

“Cá nhân tôi cho rằng vẫn còn có những khoảng trống về quản trị công ty, nhất là trong khu vực kinh tế nhà nước,” ông Cung nói.

Nhấn mạnh hơn, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, kể cả các các doanh nghiệp niêm yết tuy đã thực hiện các nguyên tắc quản trị công ty theo Luật Chứng khoán, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Quy trình quản trị công ty của nhiều đơn vị chủ yếu vẫn là kế thừa từ mô hình quản trị công ty nhà nước cũ.

Cùng ngày, trong ấn phẩm “Thẻ điểm Quản trị Công ty Việt Nam,” IFC đã công bố kết quả sơ bộ về những đánh giá các thực tiễn về quản trị công ty áp dụng tại 100 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất tại hai sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tính đến 1/1/2009.

Kết quả cho thấy, theo thông lệ quản trị một công ty tốt trên thế giới trong lĩnh vực “Đối xử công bằng với các cổ đông” cần phải đạt mức tuân thủ chung là 65,1%, nhưng không công ty nào trong nhóm được khảo sát đạt mức điểm này.

Sự yếu kém còn được thể hiện trong các biện pháp về “Trách nhiệm hội đồng quản trị” chỉ đạt 35,3% và “Công bố thông tin và sự minh bạch” chỉ đạt 39,4%...

Minh chứng qua trải nghiệm thực tế, ông John Trần, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Nexus Consulting cũng đưa ra ý kiến, “có tới 90% các doanh nghiệp được chúng tôi tư vấn quản trị công ty không ý thức hoặc không thừa nhận khái niệm quyền làm chủ. Hầu hết các quan hệ giữa nhà quản trị với cổ đông là rất kém. Hay theo thống kê, có tới 30% doanh nghiệp chậm công bố báo cáo tài chính, những lỗi vi phạm này về quản trị công ty là không thể chấp nhận được. ”

Không chỉ trông chờ vào sự tự giác


Việc Bộ Tài Chính đã thông qua Quy chế về Quản trị công ty quy áp dụng cho các công ty niêm yết năm 2007, văn bản hướng dẫn về quản trị đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, đã cho thấy những bước tích cực trong công tác quản trị công ty của Việt Nam.

Nhưng theo bà Vũ Thị Kim Liên, các văn bản ban hành chỉ đưa ra các khái niệm và nguyên tắc mang tính chất cơ bản nhất, nhiều nguyên tắc có tính chất định hướng và chưa bắt buộc, chủ yếu khuyến khích doanh nghiệp tự giác.

Song thực tế quá trình quản lý thị trường chứng khoán mới nổi tại Việt Nam đã chỉ ra nhiều thách thức về quản lý đối với các cơ quan chức, mà trực tiếp là Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Với vai trò xây dựng, quản lý và giám sát thị trường chứng khoán, SSC đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường, phát triển thị trường theo hướng minh bạch và công bằng hơn. Đơn cử là SSC và IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới đã thực hiện các hoạt động hướng tới cải thiện thực tiễn quản trị công ty tại Việt Nam.

Một trong những sản phẩm của sự hợp tác trên là bản khảo sát “Thẻ điểm Quản trị Công ty Việt Nam”.  Mục đích của cuộc khảo sát này là đưa ra hệ thống đánh giá tình hình thực hiện các nguyên tắc quản trị công ty tại Việt Nam và thiết lập khung pháp lý cho các thảo luận chính sách trong lĩnh vực này.

“Việc tăng cường khả năng của doanh nghiệp trong thực hiện và áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty cũng góp phần giúp cơ quản quản lý Nhà nước tăng cường áp dụng các chuẩn mực quốc tế và các thông lệ tốt nhất về quản trị công ty,” bà Liên nói.

Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng có ý kiến rằng cần làm thêm rõ vai trò của các cơ quan quản lý  chủ quản cũng như các hiệp hội trong việc cổ vũ doanh nghiệp áp dụng những nguyên tắc quản trị công ty.

“Công cụ thì có, nhưng những người đứng đầu phải muốn làm thực sự thì các nguyên tắc quản trị công ty mới có thể đưa vào vận dụng hữu hiệu trong quá trình điều hành hoạt động doanh nghiệp,” theo ông Cung./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục