"Cần một chiến lược rõ ràng trong quảng bá hình ảnh đất nước"

Theo Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, ông Nguyễn Thắng, thời gian tới để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cần đẩy mạnh hơn nữa hình ảnh về những thành tựu đổi mới của đất nước.

Báo ảnh Việt Nam đã trải qua hành trình 60 năm quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Xưa, là hình ảnh chân thực về cuộc chiến tranh giành độc lập khốc liệt của cả dân tộc, nay là những hình ảnh sống động về thành tựu đổi mới trên mọi lĩnh vực của cả nước. Nhờ đó, Việt Nam đã trở nên gần gũi hơn và được hiểu rõ hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm chặng đường ý nghĩa này (15/10/1954-15/10/2014), phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, ông Nguyễn Thắng.

Thiếu đơn vị "nhạc trưởng"


- Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh đất nước ra với thế giới. Ngành du lịch cũng đã vào cuộc với nhiều hoạt động xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm. Còn với nhiếp ảnh, ông đánh giá hiệu quả việc quảng bá Việt Nam ra nước ngoài bằng hình ảnh của chúng ta thời gian qua thế nào?

Ông Nguyễn Thắng: Hiện nay, riêng với nhiếp ảnh ở Việt Nam, việc quảng bá ra nước ngoài có hai cách thông dụng là triển lãm ảnh ở nước ngoài và qua Báo ảnh Việt Nam xuất bản hàng tháng.

Báo ảnh của chúng tôi có bốn ngữ, báo điện tử có tám ngữ. Báo ảnh đã nhiều lần phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức những Tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh cũng tham gia tổ chức các triển lãm ảnh ở nước ngoài…

Theo tôi, kết quả chưa được như mong muốn của những người thực hiện vì chúng ta vẫn mạnh ai người đó làm mà chưa có được chiến lược cụ thể.

Chúng ta cần có chiến lược từ Ban chỉ đạo Thông tin Đối ngoại Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông. Chúng ta cần những chỉ đạo việc sẽ quảng bá như thế nào; hàng năm, hàng tháng hay từng quý một, hoặc có thể giao cho các Đại sứ quán phụ trách.

Ví dụ như bây giờ, các đồng chí lãnh đạo Thông tấn xã cũng thường xuyên đề nghị Báo ảnh cung cấp những bộ ảnh về Việt Nam đất nước, con người cho các Đại sứ quán để họ triển lãm ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết thời gian và địa điểm họ triển lãm.

Vì thế theo tôi, cần phải có một chiến lược rõ ràng, cụ thể trong một quý chúng ta tổ chức một bộ ảnh về đất nước con người Việt Nam, những thành tựu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực và mang đi triển lãm ở tất cả các nước. Đến quý sau hoặc kỳ sau chúng ta có thể thêm những thành tựu khác, những hình ảnh khác.

Đặc biệt, chúng ta cần một đơn vị làm “nhạc trưởng.” Bởi như có lần, Bộ thông và Truyền thông tin giao cho Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế thực hiện. Tuy nhiên, Trung tâm này không có ảnh nên đã kết hợp với Báo ảnh hoặc Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh để làm. Có những hình ảnh đã quá cũ, không cập nhật được hình ảnh mới. Đây là cách làm không tập trung nên hiệu quả đạt được sẽ không cao.

"Cần một chiến lược rõ ràng trong quảng bá hình ảnh đất nước" ảnh 1Ông Nguyễn Thắng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

- Tức là, chúng ta thiếu hẳn đề tài hình ảnh Việt Nam những năm đổi mới khi mang ra nước ngoài quảng bá?

Ông Nguyễn Thắng: Đúng vậy. Thời kỳ những năm đổi mới chúng ta có những cuộc triển lãm ảnh tại nước ngoài nhưng lại không có được những hình ảnh mới về sự đổi mới, vươn lên của đất nước.

- Vậy theo ông, những hình ảnh, đề tài như thế nào sẽ đạt được hiệu quả cao?

Ông Nguyễn Thắng: Việt Nam đất nước, con người là nói chung, trong đó có rất nhiều lĩnh vực. Trong thời điểm hiện nay, nhu cầu của bạn bè quốc tế muốn nhìn thấy hình ảnh của Việt Nam với những thành tựu đổi mới trên tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực kinh tế then chốt như: xuất khẩu, dệt may, dầu khí, thủy sản, xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới, những cây công nghiệp xuất khẩu như càphê, hồ tiêu, ca cao...

Tất cả những hình ảnh này Thông tấn xã Việt Nam và Báo ảnh đều có vì các phóng viên đi công tác thường xuyên. Ngày mai, Báo ảnh sẽ tổ chức triển lãm ảnh “Những hình ảnh về Hà Nội mới” (ngày 14/10) tại sảnh tầng 1 của Trung tâm Thông tấn Quốc gia.

Theo tôi, hình ảnh về một Hà Nội cổ kính đã trở nên rất quen thuộc với những bức hình đen trắng do nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước chụp từ những năm đầu thế kỷ XX. Nhưng Hà Nội của chúng ta giờ đã thay đổi nhiều với hệ thống đường bộ, cầu vượt, các khu đô thị mới...

Chúng tôi đã tập hợp lại và đưa ra hình ảnh Hà Nội mới để cho thấy một Việt Nam đổi mới, các thành phố phát triển mới. Vì thế, mỗi lần có chiến dịch thực hiện thông tin đối ngoại, chúng ta cũng cần tập trung vào một kiểu đề tài như vậy, tránh dàn trải khiến thông tin bị loãng.

Cẩn trọng với công nghệ

- Anh có đánh giá thế nào về những tay máy trẻ hiện nay công tác ở Báo ảnh Việt Nam so với những đồng nghiệp thuộc thế hệ trước mà anh cũng là một đại diện?

Ông Nguyễn Thắng: Các bạn trẻ ở Báo ảnh bây giờ có rất nhiều lợi thế, như máy móc tốt hơn, được công nghệ số hỗ trợ rất nhiều. Tôi là đại diện đã trải qua cả hai thế hệ. Ngày xưa, chúng tôi chụp rất kỹ, tính toán trong từng cú bấm máy bởi ngày đó chụp bằng phim.

Các bạn trẻ giờ thường dùng máy ảnh số, có thể chụp vài chục bức một cảnh để về chọn. Điều tôi muốn nói là các bạn trẻ cần chú ý đến cảm xúc khi bấm máy do khoảnh khắc chỉ tồn tại trong tích tắc.

Xưa, chúng tôi chụp và tích lũy kinh nghiệm và dùng kinh nghiệm đó đưa vào từng bức ảnh. Còn nay, chưa chắc bức ảnh chụp đã là hình ảnh chính xác ở hiện thực do có sự can thiệp của công nghệ số.

Nếu như các bạn nhiếp ảnh gia trẻ bây giờ biết kết hợp những kinh nghiệm chắt lọc từ các bậc cha anh đi trước với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì các bạn sẽ có được những tác phẩm hay.

Vì thế tôi muốn gửi một thông điệp tới thế hệ trẻ, rằng: các bạn hãy học tập, tôn trọng kinh nghiệm và truyền thống của các bậc đi trước; áp dụng công nghệ một cách cẩn trọng để không làm mất hiện thực khách quan của tác phẩm.

"Cần một chiến lược rõ ràng trong quảng bá hình ảnh đất nước" ảnh 2Trang bìa Báo ảnh Việt Nam xuất bản năm 2004 bằng tiếng Lào. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

- Báo Ảnh Việt Nam, một ấn phẩm xuất bản bằng nhiều ngữ và sắp tròn 60 năm từ ngày phát hành số đầu tiên, để tổng kết lại thật ngắn gọn nhưng ý nghĩa nhất chặng đường dài này ông có thể nói điều gì?

Ông Nguyễn Thắng: Tổng kết chặng đường 60 năm báo ảnh có một vài giai đoạn hiện rõ nhất. Thời kỳ đầu (1954-1975) báo mới thành lập rất khó khăn, chỉ có 10 phóng viên, biên tập viên kiêm họa sỹ, nhưng lại được Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều.

Những năm 1975-1986 là thời kỳ Báo ảnh phát triển rất mạnh, xuất bản thêm nhiều ngữ nhất, phát hành đến nhiều nước nhất.

Thời kỳ những năm đổi mới, Báo ảnh gặp nhiều khó khăn do sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Các suy nghĩ của lãnh đạo đối với việc bao cấp cho báo chí thay đổi nên kinh phí dành cho Báo ảnh cũng bị hạn chế.

Đến khoảng 5-7 năm nay, do tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, Báo ảnh Việt Nam bắt đầu có phát triển khác so với thời kỳ trước. Trước kia chủ yếu là báo in, thì nay chúng tôi phát triển song song cả báo điện tử và phải điều chỉnh báo in do việc in ấn và chuyển đi nước ngoài quá tốn kém, chậm đến tay bạn đọc. Trong khi đó với báo điện tử, bạn bè khắp năm châu có thể tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng.

- Liệu có thể nào bản in sẽ bị triệt tiêu trong thời gian tới không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thắng: Bản in vẫn có những tác dụng riêng chứ. Ở các nước khi làm đối ngoại họ vẫn giữ lại bản in báo ảnh của nước họ.

Theo tôi nghĩ, chúng ta có thể giữ lại bản ngữ nào cảm thấy phổ cập nhất trên thế giới. Tự sự phát triển của báo chí sẽ trả lời chúng ta là nên hay không nên giữ lại báo in chứ không phụ thuộc vào ý nghĩ chủ quan của chúng ta được./.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục