Cần một hệ sinh thái đủ mạnh để 4G LTE phát triển bùng nổ

Theo các chuyên gia, để 4G thực sự bùng nổ thì phải có một hệ sinh thái đủ mạnh, trong đó Internet of Things là một cấu thành quan trọng.
Cần một hệ sinh thái đủ mạnh để 4G LTE phát triển bùng nổ ảnh 1Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm từng cho biết, năm 2016 sẽ là năm khởi đầu và 2017 là năm 4G phát triển mạnh tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mạng di động 4G sẽ mở ra cơ hội to lớn, giúp hiện thực hóa sớm mục tiêu thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế từ xa, nhà thông minh… Tuy nhiên, để 4G thực sự bùng nổ thì phải có một hệ sinh thái đủ mạnh, trong đó Internet of Things là một cấu thành quan trọng.

Thử nghiệm thành công (?)

Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE do Tập đoàn IDG và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 18/8 tại Hà Nội, ông Tâm cho hay, cơ quan quản lý rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng để có hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực tế cũng cho thấy, ba nhà mạng lớn tại Việt Nam đã được cấp phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G. “Hiện tại 3 nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone đang trong quá trình đánh giá kết quả thử nghiệm và hoàn tất thủ tục xin cấp phép chính thức triển khai thương mại hệ thống thông tin di động 4G trên băng tần 1800 MHz,” ông Tâm nói.

Là một trong những đơn vị tham gia vào kế hoạch triển khai thử nghiệm 4G cho các nhà mạng tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Đông Dương cho hay đến giờ có thể đánh giá việc thử nghiệm đã diễn ra thành công.

Theo ông Nam, các nhà mạng đã chọn công nghệ, băng tần phù hợp với xu hướng phát triển chung của 4G LTE trong khu vực và thế giới, thử nghiệm đã cho tốc độ truy cập vượt trội. Bên cạnh đó, việc phổ cập của băng tần đã hỗ trợ nhiều thiết bị đầu cuối thử nghiệm thuận lợi.

“Đây là bước quan trọng để nhà mạng triển khai rộng 4G LTE trên toàn quốc cũng như giúp các cơ quan hoạch định chính sách chuẩn bị tốt nhất cho mạng di động thế hệ tiếp theo,” ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giá cước 4G của nhà mạng đưa ra, theo ông Nam là không khác so với 3G và điều này cũng giúp thúc đẩy người dùng tiếp cận dịch vụ này.

Đánh giá năm 2016 là thời điểm chín muồi để đưa 4G vào thị trường, ông Trần Tuấn Anh (Cục Viễn thông) cho hay, hiện Việt Nam có 136 triệu thuê bao di động, trong đó có 37 triệu thuê bao 3G. Trong khi đó, nhu cầu về tốc độ internet di động của người dùng ngày càng lớn. Do đó, việc đầu tư 4G ngoài việc đáp ứng nhu cầu băng rộng của xã hội thì phải đầu tư hiệu quả và đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Phải tạo ra hệ sinh thái đủ mạnh

Theo các chuyên gia, điều cốt lõi để 4G thành công chính là phải tạo ra một hệ sinh thái đủ mạnh mà Internet vạn vật (IoT) là điều không thể hiếu.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho hay, tại thời điểm này không nên chỉ bận tâm đến vấn đề hạ tầng khi triển khai 4G mà quan trọng là việc 4G khi đi vào đời sống sẽ được ứng dụng, phục vụ và đem lại lợi ích thế nào cho người dùng.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Chính phủ Việt Nam rất khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và tạo mọi điều kiện phát triển, ứng dụng những công nghệ tiên tiến như 4G LTE, IoT... giải quyết vấn đề cấp thiết, phục vụ cộng đồng như giám sát và bảo vệ môi trường, xây dựng nhà thông minh, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe...

Ông Tâm nhận định 4G sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc đạt được các mục tiêu này. Các doanh nghiệp có cơ hội phát triển kinh doanh trên môi trường số mọi lúc, mọi nơi với chi phí tối thiểu, tạo thuận lợi cho việc kết nối thông suốt giá trị sản xuất, hàng hóa, dịch vụ, phân phối trong nước và quốc tế. Chính phủ có điều kiện triển khai chính quyền điện tử rộng khắp.

"Vì vậy, việc phát triển bền vững cũng như kinh doanh hiệu quả 4G gắn kết chặt chẽ với việc phát triển hệ sinh thái mà Internet vạn vật là một cấu thành không thể thiếu," ông Tâm nói.

Cần một hệ sinh thái đủ mạnh để 4G LTE phát triển bùng nổ ảnh 2Khu vực trải nghiệm của VNPT Technology tại Hội thảo quốc tế 4G. (Ảnh: VNPT)

Từ kinh nghiệm có được trong quá trình tư vấn cho Chính phủa các nước về quy hoạch băng tần, phân tích xu hướng, xây dựng chiến lược triển khai 4G…, ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm Đông Nam Á cũng cho rằng không thể một doanh nghiệp đơn lẻ có thể triển khai 4G thành công. Bởi vậy, cần sự tham gia của một hệ sinh thái để bảo đảm cho 4G phát triển.

Bên cạnh điều kiện thuận lợi ở Việt Nam, chuyên gia của Qualcomm cũng đưa ra những thách thức phải đối mặt như vùng phủ sóng, an toàn bảo mật, năng lực mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giá cả thiết bị phải phù hợp với người tiêu dùng. Và, giải quyết những bài toán này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, nhà mạng... /.

Diễn ra trong một ngày, Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức có chủ đề “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật.” Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về những cơ hội, thách thức trong lộ trình xây dựng và phát triển 4G LTE cũng như trình bày những bài học kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã đưa ra các giải pháp công nghệ nhằm phát triển thành công 4G. Đáng chú ý, VNPT Technology đã trình diễn IoT Smart Connected Platform (SCP)- nền tảng mở kết nối vạn vật cung cấp dịch vụ End - to - End.

SCP đóng vai trò như một nền tảng chung và duy nhất định hướng phát triển ứng dụng và cung cấp dịch vụ; ứng dụng cho nhiều lĩnh vực; hỗ trợ kết nối nhiều loại thiết bị từ các nhà cung cấp khác nhau; tạo môi trường phát triển thuận tiện và linh hoạt cho các nhà phát triển…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục