Cân nhắc gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế

Trước lo ngại về việc triển khai gói chính sách tài khoá, tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến nợ công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng trong bối cảnh đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt.
Cân nhắc gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế ảnh 1Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trả lời báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Một trong những nội dung trọng tâm của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 dự kiến tổ chức ngày 5/12 tới là việc gợi ý về chính sách tài khoá, tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội.

Liên quan đến nội dung này, tại buổi họp báo diễn ra vào chiều tối 2/12, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội sắp tới, đây là một trong 5 nội dung sẽ được trình Quốc hội.

Trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, khiến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, các chuỗi cung ứng cung và cầu đều đứt gãy, đời sống của người dân khó khăn.

Dù trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Dù vậy, dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên việc có gói chính sách tài khoá, tiền tệ tiếp theo để khôi phục và phát triển kinh tế là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến thời điểm hiện tại, gói các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội chưa được Chính phủ trình sang cơ quan chủ trì thẩm tra.

Nhưng với tinh thần chủ động tích cực, Chủ tịch Quốc hội, cùng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để bàn về nội dung này.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cũng là một hoạt động nằm trong các chuỗi hoạt động để lắng nghe các chuyên gia đánh giá về gói chính sách tài khoá, tiền tệ này nhằm thực hiện hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Trước lo ngại về việc triển khai gói chính sách tài khoá, tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến nợ công, hạn mức bội chi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng trong bối cảnh đặc biệt thì phải có những chính sách đặc biệt.

Các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính-ngân sách, cơ cấu nền kinh tế đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về nợ công, bội chi…

Song, các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội nằm ngoài các kế hoạch 5 năm đã được Quốc hội thông qua.

[Diễn đàn Kinh tế VN 2021 đề xuất các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội]

Dẫn lại ý kiến các chuyên gia về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết các chuyên gia tán thành với việc tăng bội chi, nợ công, thậm chí có ý kiến cho rằng chỉ tăng mạnh trong 2 năm tới (mỗi năm tăng bội chi, nợ công tương ứng 1% GDP), với tinh thần phải thực hiện nhanh, tác động tích cực tới nền kinh tế.

Với liều lượng tăng 1% GDP bội chi thì các mức an toàn về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Về phía Viện Kinh tế Việt Nam, Viện trưởng Bùi Quang Tuấn cho rằng gói chính sách tài khoá, tiền tệ phải đảm bảo đủ quy mô, chỉ khi đủ quy mô mới đủ tác dụng, song quy mô ở mức độ nào thì phải tính toán, tập trung một số lĩnh vực còn không gian để tận dụng như trần nợ công.

Gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội cần đặt ra 2 mục tiêu; trong đó, mục tiêu ngắn hạn nhằm giải quyết vấn đề trước mắt và mục tiêu trung hạn, dài hạn tập trung vào các trụ cột, động lực tăng trưởng.

Trên cơ sở phân chia như vậy, trọng tâm, trọng điểm của ngắn hạn của gói chính sách tài khoá, tiền tệ là hỗ trợ doanh nghiệp với các công cụ ngắn hạn như thuế, phí.

Ngoài ra, tập trung vào các công cụ tài chính, làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tín dụng để vận hành sản xuất, kinh doanh. Nếu không can thiệp sớm và công cụ đủ mạnh thì doanh nghiệp khoẻ cũng khó khăn, dẫn tới phá sản.

Cân nhắc gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế ảnh 2Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngoài ra, diễn đàn sẽ thảo luận để đưa ra các giải pháp liên quan đến các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chuyển đổi số trong doanh nghiệp hay làm thế nào để phục hồi lực lượng lao động, thu hút lao động trở lại cũng như đảm bảo chính sách cho người lao động.

Đối với mục tiêu dài hạn về các trụ cột, động lực tăng trưởng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đó là vấn đề vốn và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số gắn với kinh tế số.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, chỉ có chuyển đổi công nghệ số mới giúp tăng trưởng nhanh, sớm thu hẹp khoảng cách với các nước.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội. cần tính đến các giải pháp mang tính hiệu quả, giá trị ngay, nếu để lâu thì ít tác dụng với việc phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo chương trình, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 5/12 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (ICC).

Diễn đàn nhằm đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 - 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả.

Ngoài ra, diễn đàn này sẽ mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục