Cần sửa đổi chính sách, pháp luật với lao động nữ

Các chính sách đối với lao động nữ ở Chương X trong Bộ Luật lao động đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhưng chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngày 30/1, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động, Công đoàn các khu công nghiệp-khu chế xuất của 30 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham dự hội thảo về những vấn đề cần sửa đổi trong Bộ Luật lao động liên quan đến chính sách, pháp luật  về lao động nữ.

Tại hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng này, nhiều ý kiến và tham luận đều cho rằng dù đã được chỉnh sửa, bổ sung, các chính sách đối với lao động nữ ở Chương X trong Bộ Luật lao động vẫn chưa phù hợp với thực tiễn.

Về chính sách tuyển dụng lao động nữ, đại biểu Trần Văn Tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng quy định này tỏ ra tiến bộ nhưng chỉ mang tính hình thức. Thực tế, người sử dụng lao động bao giờ cũng ưu tiên tuyển lao động nam, thường ký hợp đồng ngắn hạn đối với lao động nữ để dễ dàng chấm dứt hợp đồng hoặc sau khi lao động nữ nghỉ thai sản.

Mặt khác, việc đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ không phải là chính sách ưu tiên, khi hiện nay mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đào tạo nghề, nên bất kỳ khi nào muốn, lao động nữ cũng có thể tìm được nơi học nghề thích hợp.

Một điểm được xem là vấn đề mới, có tính chất tiến bộ của dự thảo bộ luật là cho phép lao động nữ nghỉ thai sản từ 5-7 tháng cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Vì thực tế, sau khi nghỉ thai sản, hầu hết lao động nữ đều có nhu cầu nghỉ thêm không hưởng lương, nhưng không xin nghỉ vì lo bị mất việc làm, chủ doanh nghiệp còn tìm mọi cách để chấm dứt hợp đồng, không bố trí công việc phù hợp.

Nếu áp dụng thời gian nghỉ thai sản lâu hơn, khả năng bị mất việc của lao động nữ cũng sẽ tăng cao, đặc biệt với đối tượng là lao động phổ thông. Hoặc quy định lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 1 giờ trong thời gian làm việc rất khó thực hiện, nếu các doanh nghiệp sản xuất theo dây chuyền.

Từ thực tế này, các đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cụ thể các chính sách về tuyển dụng, đào tạo nghề, đảm bảo việc làm sau nghỉ thai sản... nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của lao động nữ.

Cũng tại hội thảo, chuyên gia của tổ chức ILO đã trao đổi một số kinh nghiệm về vấn đề bình đẳng giới phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế./.

Hà Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục