Cần Thơ: Xem xét xây mới kết hợp cải tạo trường cổ Châu Văn Liêm

Đã qua nhiều lần được cấp kinh phí nâng cấp, hiện nay tổng thể kiến trúc trường cổ Châu Văn Liêm không đồng nhất, các sàn, mái... khác nhau, mất mỹ quan.

Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm, thành phố Cần Thơ (tiền thân là trường Collège de Can Tho) được xây dựng năm 1917 và đưa vào sử dụng năm 1921 với kiến trúc Pháp cổ.

Đây là một trong những ngôi trường lâu đời tại Đồng bằng sông Cửu Long, được đánh giá tương đương với Trường Trung học Phổ thông Lê Hồng Phong (Trường Pétrus Ký tại Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Tiền Giang). Việc giữ gìn và bảo tồn ngôi trường này mang nhiều ý nghĩa về giáo dục và văn hóa.

Sau một thời gian khảo sát thực địa, tham khảo ý kiến chuyên gia cũng như dư luận, ngày 16/3, Thành ủy phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Dự án trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm” nhằm tìm ra giải pháp thống nhất cho việc xây mới hay tu sửa trường. Đa số ý kiến tại hội thảo cho thấy phương án xây mới kết hợp cải tạo, nâng cấp được cho là khả thi nhất.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, cho biết Trường hiện có 1.671 học sinh, với 42 lớp học đang hoạt động. Quy mô của trường có 62 phòng học nhưng hiện nay 18 phòng đã xuống cấp trầm trọng, không thể sử dụng phải tạm đóng cửa. Hơn thế nữa, do trường đã tồn tại 99 năm nên việc hư hỏng là không thể tránh khỏi.

Đã qua nhiều lần được cấp kinh phí nâng cấp, hiện nay tổng thể kiến trúc trường không đồng nhất, các sàn, mái... khác nhau, mất mỹ quan. Chân tường nhiều chỗ đã mục, nguy cơ sạt đổ rất cao; cộng thêm các thanh đà chắn bị mục khiến học sinh luôn trong tình trạng lo lắng.

Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất ý kiến cải tạo, nâng cấp các phòng học hiện vẫn còn sử dụng được. Các hạng mục đã hư hỏng nặng thì cần được xây mới để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như duy trì ổn định tỷ lệ học sinh đầu vào cho trường.

Ông Trần Việt Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cho biết thêm năm 1987 phía Pháp đã có công hàm thông báo trường hết hạn sử dụng. Đến nay thời gian sử dụng “quá hạn” đã gần 30 năm. Việc bảo tồn một công trình mang tính lịch sử, văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng việc bảo đảm an toàn tính mạng cho hơn 1.700 học sinh, giáo viên của trường cũng quan trọng không kém.

Định hướng của thành phố là sẽ cố gắng bảo tồn những hạng mục còn có thể sử dụng được của trường, còn những hạng mục đã quá cũ nát sẽ đập bỏ để xây mới. Tuy vậy, việc xây mới sẽ được giám sát chặt chẽ bởi đội ngũ kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm, đảm bảo phục dựng lại kiến trúc cũ với chất liệu xây dựng mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục