Cần tính tới dân bầu trực tiếp người đứng đầu đô thị

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh xuất phát từ nguyên lý chính quyền của dân, phải tính đến việc thị trưởng do dân bầu trực tiếp.
Sáng 16/5, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã họp cho ý kiến vào dự thảo đề cương và kế hoạch của đề án.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là đề án mới, rất quan trọng và cũng rất khó, Việt Nam chưa có tiền lệ. Do vậy, Ban chỉ đạo và Tổ biên tập phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung điều hành, hoàn thành các nhiệm vụ được phân công, xây dựng đề án tương đối hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 12/2012.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh xuất phát từ nguyên lý chính quyền do dân, vì dân phục vụ đất nước, phải tính đến việc đô trưởng, thị trưởng… đều phải do nhân dân bầu. Tuy là làm thí điểm nhưng cần kết hợp bảo đảm tính thống nhất của việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp và tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân các cấp.

Phó Thủ tướng yêu cầu đề án tập trung đánh giá thực trạng, mô hình hiện nay để đề xuất chức năng nhiệm vụ mới, mô hình mới, tổ chức cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị; phải đánh giá mạnh mẽ, đầy đủ không cực đoan, không một chiều trong đánh giá thực trạng, trong đó làm nổi rõ những bất cập trong sự phân cấp hiện nay. Đề án cần tập trung nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các thành phố thuộc trung ương và các đơn vị hành chính trực thuộc các đô thị cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thống nhất với việc đưa ra một số phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị để có sự phân tích và lựa chọn phù hợp.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cho rằng sau 25 năm đổi mới, cùng với đà tăng trưởng kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng, tạo sự khác biệt về kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống giữa đô thị và nông thôn. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đang đặt ra yêu cầu làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định tổ chức bộ máy, chức năng, thẩm quyền phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền. Trong bối cảnh Hiến pháp 1992 đang được nghiên cứu sửa đổi, việc xây dựng và thực hiện Đề án còn là cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Hiến pháp về chính quyền địa phương và các quy định của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân sửa đổi.

Các ý kiến cũng đồng tình với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa để quản lý hiệu lực và hiệu quả công việc của chính quyền, hướng tới mục tiêu tổng thể cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đề án sẽ đánh giá hiện trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp và việc phân biệt bước đầu về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn theo quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan; phân tích, đánh giá các yêu cầu đặt ra đối với quy định mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền đô thị, có sự phân biệt rõ với chính quyền nông thôn. Từ đó, nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp đối với chính quyền đô thị đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở kết quả xây dựng Đề án, Ban chỉ đạo Đề án sẽ đề xuất với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 các quy định cụ thể về chính quyền địa phương trong Hiến pháp và mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị trong Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân sửa đổi.

Đề án đưa ra một số phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, trong đó có phương án cải cách mạnh chính quyền địa phương, xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo mô hình mới là chính quyền một cấp đại diện, hai cấp hành chính. Một số ý kiến bày tỏ đồng tình với phương án này để triển khai thực hiện ở ít nhất 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Song cũng có ý kiến cho rằng đây là Đề án quan trọng, là mô hình mới, chưa có sự nghiên cứu kỹ, do vậy cần nắm được thực trạng chính quyền đô thị và có đánh giá, tham khảo thêm một số mô hình để định hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đề nghị để tìm kiếm một mô hình mới phù hợp với quản lý đô thị, cần tổng kết thực tiễn và đưa ra các mô hình khác nhau, phân tích từng mặt mạnh, mặt yếu của mô hình rồi lựa chọn và quyết định. Việc xây dựng mô hình phải bảo đảm sự tiếp nối của các mô hình đã làm thí điểm./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục