"Cần xác định các điểm đứt gãy để giảm nhẹ tai biến thiên nhiên"

Tai biến thiên nhiên là vấn đề rất phức tạp, và nếu không có phương pháp "bắt bệnh" kịp thời, nó có thể gây ra những thiệt hại lớn về người và môi trường khu vực.
"Cần xác định các điểm đứt gãy để giảm nhẹ tai biến thiên nhiên" ảnh 1Sơ đồ về trận động đất mạnh 3,5 độ richter từng xảy ra tại khu vực huyện Mường La, tỉnh Sơn La. (Nguồn ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Tai biến thiên nhiên là mối đe dọa của các sự kiện xảy ra một cách tự nhiên. Một số tai biến như động đất xảy ra trong quá trình hoạt động của các điểm đứt gãy có thể gây ra sóng thần và hạn hán, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại nhiều khu vực, nhất là các tỉnh miền núi.

Trong những năm gần đây, các điểm đứt gãy hoạt động, gây ra động đất thường xảy ra nhiều tại các tỉnh khu vực phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Bắc Giang; và một số tỉnh khu vực miền Trung như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam...

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh vấn đề trên, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng tai biến thiên nhiên là hiện tượng tự nhiên rất khó lường. Và, nếu không có phương pháp "bắt bệnh" kịp thời, nó có thể gây ra những thiệt hại lớn.

Theo nghiên cứu của ông Văn, trên một vùng lãnh thổ của đất nước ta thường bị chia cắt bởi các điểm đứt gãy hình thành do tai biến địa chất. Các điểm đứt gãy này trong quá trình hoạt động có thể gây ra động đất làm nứt vỡ mặt đất, gây sụt sập, trượt lở, cũng như làm đổ nhà cửa, cơ sở hạ tầng, mất nước...

"Chính vì lẽ đó, nên nhiệm vụ của ngành địa chất là phải xác định trên lãnh thổ đất nước mình có bao nhiêu đứt gãy, trong số đó bao nhiêu đứt gãy đang hoạt động, từ đó đưa ra những cảnh báo cũng như các giải pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả kịp thời," ông Văn nói.

Viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu và dự báo tai biến tự nhiên sẽ góp phần cảnh báo đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý, các địa phương nắm bắt được thực trạng để điều chỉnh việc triển khai các công trình.

Cùng với đó, quá trình dự báo tai biến tự nhiên hay tai biến địa chất cũng góp phần giúp các nhà máy thủy điện tính toán được khả năng ảnh hưởng. Và, người dân biết đường xây nhà kiên cố và kịp thời đối phó với những rủi ro.

Với ý nghĩa nêu trên, lãnh đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, hiện đơn vị này đang triển khai Đề án “Xây dựng mạng lưới địa động lực trên khu vực các đứt gãy thuộc miền Bắc Việt Nam phục vụ công tác dự báo tai biến tự nhiên."

Trong giai đoạn 1, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã nghiên cứu tại một số khu vực miền Bắc như: Đứt gãy Điện Biên-Lai Châu, Sơn La-Tuần Giáo, Cao Bằng-Lạng Sơn, và đứt gãy sông Hồng.

Trong thời gian tới, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, tập trung nghiên cứu các điểm đứt gãy ở khu vực miền Trung như đứt gãy sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia-Thu Bồn../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục