Cần xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải lưu vực sông Đồng Nai

Sự cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải là vấn đề rất được quan tâm tại cuộc họp của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/12.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải lưu vực sông Đồng Nai ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Sự cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nước thải là vấn đề rất được quan tâm tại cuộc họp của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/12.

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài Nguyên, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải bởi nước thải và các vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể là hàm lượng ô nhiễm hữu cơ lẫn vô cơ đã tăng nhiều lần cho phép, thậm chí có nơi tăng vài trăm lần mức độ cho phép.

Hiện nay tại quận Thủ Đức đang là nơi chứa nhiều nước thải từ nhiều nguồn xả thải của nội tại Thành phố Hồ Chí Minh lẫn các tỉnh thành lân cận.

Trong khi đó, số liệu của Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy việc xây dựng các trung tâm xử lý nước thải của không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà cả vùng Đông Nam Bộ là chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhận định: “Tình trạng ô nhiễm trên những kênh rạch tại các khu đô thị làm ảnh hưởng đến chất lượng nước của hệ thống sông Vàm Cỏ-Sài Gòn-Đồng Nai, nơi tập trung phần lớn các khu đô thị và khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.”

Từ cơ sở trên, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành Phố Hồ Chí Minh Đào Anh Kiệt đề xuất phương án về việc kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải (nguồn nước thải) của 11 tỉnh, thành liên quan đến lưu vực sông Đồng Nai. Theo đó, tất cả các cơ sở dữ liệu về nguồn thải sẽ được lưu giữ và đánh giá trên cơ sở có phù hợp với các tiêu chuẩn quy định của pháp luật hay không để biết được xác nguồn xả thải chính gây ô nhiễm dòng sông đến từ đâu.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Xây dựng đã trình bày các vấn đề liên quan đến đề án “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu vực khu công nghiệp trên lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030."

Đề án là cơ sở xác định trách nhiệm của từng địa phương trong việc kiểm soát nguồn xả thải gây nguy hại cho dòng sông Đồng Nai.

Hiện nay, theo thống kê của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, toàn lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh có tổng cộng 1.174/1.049 nguồn thải từ 50m3/ngày đêm đã được xác định; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 500 nguồn thải; Bình Dương có 135 nguồn thải; Đồng Nai có 148 nguồn thải (trong đó có 43 nguồn thải trên 100 m3/ngày đêm)...

Dựa trên các cơ sở này, đồng chủ trì cuộc họp là ông Lê Thanh Cung (Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai) và ông Bùi Cách Tuyến (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thống nhất các phương án trên dựa trên cơ sở đồng bộ về khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường cho sông Đồng Nai cho tất cả các địa phương liên quan.

Theo đó, các nguồn thải của từng địa phương cần được xác định về mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hay chưa nghiêm trọng để có hướng xử lý cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục