Canada tăng cường hợp tác kinh tế với châu Á-TBD

Canada khẳng định nỗ lực xây dựng quan hệ song phương với châu Á-Thái Bình Dương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Canada khẳng định quốc gia này tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ song phương với châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Theo tuyên bố của Quốc vụ khanh phụ trách tài chính Canada Kevin Sorenson sau khi dự cuộc họp các bộ trưởng kinh tế của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bali, Indonesia, Canada cùng với các nền kinh tế APEC khác đã đưa ra một kế hoạch nhằm cải thiện điều kiện đầu tư và khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng châu Á-Thái Bình Dương.

Quốc vụ khanh Kevin Sorenson nhấn mạnh kế hoạch góp phần phát triển kinh tế khu vực quan trọng này sẽ khuyến khích sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư Canada, bởi Canada là nước đi đầu thế giới trong tạo ra mối quan hệ đối tác công - tư hiệu quả cho xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng.

Quốc vụ khanh Kevin Sorenson cũng cho rằng sự thịnh vượng trong nền kinh tế APEC và trên thế giới phụ thuộc vào việc duy trì các cam kết thương mại cũng như đầu tư tự do và cởi mở.

Theo ông Kevin Sorenson, một hệ thống thương mại toàn cầu mở và dựa trên luật lệ là cần thiết để có thể hỗ trợ tăng trưởng và phát triển toàn cầu.

Khu vực này quan trọng đối với Canada và đó là lý do Canada theo đuổi hiệp định thương mại với các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cuộc đàm phán với Nhật Bản và các nước Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngoài ra, Quốc vụ khanh Kevin Sorenson cho biết nền kinh tế Canada hiện hoạt động tương đối tốt, tuy nhiên sẽ không “miễn dịch” trước các sự kiện toàn cầu.

Do vậy, Canada sẽ nỗ lực đóng vai trò tích cực trong quan hệ thương mại với các nước và khu vực khác, góp phần tăng cường và ổn định nền kinh tế toàn cầu.

Cùng ngày, Bộ trưởng thương mại Canada Ed Fast thông báo vòng đàm phán mới nhất về Hiệp định thương mại trong lĩnh vực dịch vụ (TISA) giữa 23 nước thành viên WTO, trong đó có Canada, diễn ra trong các ngày 16-20/9 tại Geneva, Thụy Sĩ, đã kết thúc với những bước tiến mới.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phòng thương mại Canada Perrin Beatty cho biết Canada ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực đàm phán toàn diện và đầy tham vọng trong TISA.

Thỏa thuận này có thể mở ra tiềm năng cho lĩnh vực có giá trị cao của nền kinh tế và đặt ra khuôn khổ cho thương mại quốc tế hiện đại.

Ông Perrin Beatty tin tưởng rằng TISA khi hoàn tất sẽ giải quyết được các vấn đề thương mại trong thế kỷ 21, trong đó có quy định về minh bạch và hợp tác, trao đổi và quản lý dữ liệu hải quan và các quy tắc đối với doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ Thủ tướng Stephen Harper nhận định việc mở ra thị trường mới cho các nhà cung cấp dịch vụ đẳng cấp thế giới của Canada sẽ tạo ra việc làm và nguồn thịnh vượng mới cho người lao động và các doanh nghiệp nước này.

Trong khi việc làm và tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Canada và khu vực dịch vụ tuyển dụng hơn 13 triệu người lao động, sự tham gia của Canada trong các cuộc đàm phán TISA là phần quan trọng của kế hoạch ủng hộ thương mại đầy tham vọng nhằm tạo ra cơ hội mới và sự thịnh vượng cho Canada.

Năm 2012, Canada xuất khẩu gần 83 tỷ USD giá trị dịch vụ. Canada là nhà xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật lớn thứ tư thế giới và là nhà xuất khẩu lớn trong các lĩnh vực khai thác mỏ, tài chính và công nghệ thông tin.

Khu vực dịch vụ đại diện cho gần 70% nền kinh tế Canada và tạo ra gần 4/5 việc làm tại Canada. Một TISA đầy tham vọng sẽ tạo môi trường ổn định cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ Canada để theo đuổi các thị trường mới trên toàn cầu.

Hiện các thành viên TISA đại diện cho thị trường dịch vụ lớn nhất thế giới với gần 1,6 tỷ người và tổng GDP hơn 48.000 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 giá trị nền kinh tế thế giới. Năm 2012, những nước này xuất khẩu gần 3.300 tỷ USC về dịch vụ./.

Viên Thị Luyến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục