Căng thẳng và bất ổn gia tăng tại Đức vì vấn đề người tị nạn

Chủ nghĩa cực đoan ngày càng lan rộng kéo theo tình trạng gia tăng bạo lực giữa các nhóm đối lập đang gây ra nhiều quan ngại tại Đức, quốc gia hiện phải nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Căng thẳng và bất ổn gia tăng tại Đức vì vấn đề người tị nạn ảnh 1Cảnh sát Đức dùng vòi rồng giải tán biểu tình. (Nguồn: RT)

Ngày 25/10, cảnh sát thành phố Cologne, miền Tây nước Đức đã phải dùng đến vòi rồng để trấn áp cuộc biểu tình do các nhóm cực tả thực hiện nhằm phản đối một cuộc tuần hành khác của nhóm theo chủ nghĩa bài ngoại HOGESA.

Cuộc tuần hành của nhóm HOGESA với sự tham gia của 600 người nhằm kêu gọi Chính phủ Đức đóng cửa biên giới ngăn người di cư và cấm xây dựng nhà thờ Hồi giáo, trong khi khoảng 10.000 người biểu tình phản đối.

Nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và thành viên các nhóm đã nổ ra.

HOGESA là nhóm gồm chủ yếu là các cổ động viên bóng đá cực đoan quá khích (hooligan) và các thành phần cánh hữu cũng như các cá nhân ủng hộ chủ nghĩa quốc xã mới.

Năm ngoái, xung đột bạo lực tương tự cũng đã từng nổ ra nhiều lần tại thành phố này khiến giới chức Đức phải điều thêm 3.500 cảnh sát nhằm tăng cường an ninh khu vực.

Chủ nghĩa cực đoan có xu hướng ngày càng lan rộng kéo theo tình trạng gia tăng bạo lực giữa các nhóm đối lập đang gây ra nhiều quan ngại tại Đức, quốc gia hiện phải nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, với dự kiến sẽ có 800.000 đến 1 triệu người tị nạn và nhập cư vào nước này trong năm 2015.

Lực lượng an ninh Đức cũng liên tục cảnh báo về những cuộc tấn công của các nhóm phân biệt chủng tộc nhằm vào những chính trị gia giúp đỡ người di cư.

Chỉ riêng trong quý 3 năm nay, số vụ tấn công nhắm vào các trại tị nạn đã lên tới 285 vụ, nhiều hơn cả con số 198 vụ của cả năm 2014.

Ngay trong tuần trước, nhóm "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây" (PEGIDA) cũng đã tổ chức cuộc tuần hành quy mô lớn tại thành phố Dresden, miền Đông nước Đức nhằm phản đối người nhập cư.

Còn trên chính trường Đức, sự ủng hộ dành cho liên đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel cũng giảm sút, trong khi đảng "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) chủ trương chống nhập cư lại ngày càng có sức lan tỏa

Trong khi đó, các cơ quan an ninh nước này liên tục tỏ thái độ phê phán chính sách đối với người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Cơ quan tình báo nội địa (Cục Bảo vệ Hiến pháp - BfV), Cơ quan tình báo nước ngoài (Cục Tình báo liên bang - BND), Cục Hình sự liên bang (BKA) và Cơ quan cảnh sát liên bang đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh nội địa tại Đức.

Một viên chức hàng đầu về an ninh của Đức cho rằng dòng người từ khắp nơi trên thế giới đổ xô tới Đức đã dẫn tới những bất ổn ở nước này.

Theo một tài liệu an ninh, giới chức an ninh nước này không thể giải quyết được những vấn đề an ninh phát sinh do nhập cư (như chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, chủ nghĩa bài Do Thái, các xung đột dân tộc và sắc tộc của người dân...) cũng như những phản ứng phát sinh của người dân Đức liên quan tình trạng nhập cư vào nước này.

Nhiều chính trị gia nội vụ Đức cho rằng tình tình tại các địa phương ở Đức còn phức tạp hơn nữa, đồng thời kêu gọi cảnh sát liên bang nên đưa người tị nạn tới khu vực biên giới nếu những người này đến từ những nước "an toàn," tức không được hưởng quy chế tị nạn.

Trong khi đó, Thủ hiến bang Bayern, ông Horst Seehofer - Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), liên kết với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel, đã cảnh báo về nguy cơ chia rẽ khối liên minh giữa hai đảng bảo thủ trong trường hợp chính sách tị nạn hiện nay không thay đổi.

Ông cũng kêu gọi Chính phủ liên bang phải lập tức giới hạn dòng người di cư, đẩy nhanh hơn nữa việc xét duyệt hồ sơ tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục