Cảnh báo bệnh do virus Zika còn tiếp tục diễn biến phức tạp

Mặc dù số ca mắc được phát hiện đã giảm dần, tuy nhiên trong năm 2017, bệnh do virus Zika vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, thậm chí có thể bùng phát trên diện rộng.
Cảnh báo bệnh do virus Zika còn tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh 1Phun xịt thuốc chống muỗi tại quận 3. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Mặc dù số ca mắc được phát hiện đã giảm dần, tuy nhiên trong năm 2017, bệnh do virus Zika vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, thậm chí có thể bùng phát trên diện rộng nếu không có kế hoạch giám sát và ứng phó ngay từ đầu năm.

Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, đã khuyến cáo như trên tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam năm 2017, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 16/2.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân, bệnh do virus Zika là loại bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh thông qua véctơ truyền bệnh là muỗi vằn nhưng lại khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng nhẹ, hoặc không có biểu hiện.

Với những công nghệ và biện pháp hiện tại rất khó để kiểm soát virus Zika phát tán bởi chỉ có thể phát hiện bệnh trong vòng một tuần sau khi phát bệnh. Nếu để quá 14 ngày thì không thể xét nghiệm ra virus Zika.

Trong khi đó, hiện nay tần suất giao lưu đi lại cao, biến động dân cư mạnh, khu vực phía Nam thuộc vùng lưu hành của muỗi vằn, nguồn lăng quăng (bọ gậy) phong phú, đa dạng.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay cả nước có 227 trường hợp xác định nhiễm virus Zika, trong đó tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh với 207 ca bệnh, số còn lại nằm rải rác ở chín tỉnh, thành phố khác như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh...

Trong số 227 ca mắc có 41 phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika và một trường hợp trẻ mắc đầu nhỏ nghi có liên quan đến virus Zika ở Đắk Lắk.

Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân dự báo trong năm 2017, bệnh do virus Zika sẽ tiếp tục gia tăng tại các tỉnh khu vực phía Nam, khả năng sẽ bùng phát dịch bệnh nếu không có kế hoạch giám sát và ứng phó từ đầu năm, cũng như không kiểm soát triệt để véctơ truyền bệnh.

Ông Lân đề xuất mỗi tỉnh tối thiểu cần có hai điểm giám sát, đồng thời lồng ghép giám sát ba chiến dịch gồm bệnh sốt xuất huyết Dengue-bệnh Chikungunya-bệnh do virus Zika để kiểm soát tốt hơn sự lây lan trên diện rộng của các loại dịch bệnh này.

Về công tác phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý các tỉnh khu vực phía Nam cần quan tâm tới bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika bởi tình hình hai dịch bệnh này đang rất phức tạp.

“Các tỉnh phía Nam nằm trong vùng vành đai bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika mà Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, vì vậy cần có biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ để ngăn chặn không cho hai dịch bệnh này bùng phát trong năm 2017,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương cần cảnh giác đối với các dịch bệnh từ nước ngoài có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam như H7N9, Mers-CoV, Ebola. Đồng thời cũng cần quan tâm tới các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, cao huyết áp.

Hiện các bệnh không lây nhiễm chiếm 70% gánh nặng bệnh tật và chiếm đến 66% số người tử vong trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục