Cảnh báo bệnh viêm não, viêm màng não bắt đầu vào mùa

Từ đầu năm tới nay Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 70 ca viêm não; trong đó có 3 ca viêm não Nhật Bản, còn lại các ca viêm não khác do virus khác như sởi, thủy đậu...
Cảnh báo bệnh viêm não, viêm màng não bắt đầu vào mùa ảnh 1Bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho trẻ bị viêm não Nhật Bản. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Thạc sỹ Nguyễn Văn Lâm - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, từ đầu năm tới nay bệnh viện đã tiếp nhận hơn 70 ca viêm não. Trong tổng số đó có 3 ca viêm não Nhật Bản, còn lại là các ca viêm não khác do virus khác như sởi, thủy đậu...

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây cũng đã tiếp nhận gần chục ca viêm màng não nhập viện.

Đang chăm sóc cho bé Nguyễn Chí Minh, 2 tuổi ở Thành phố Hòa Bình, chị Trần Thị Thúy cho hay, bé nhà chị bị sốt mấy ngày, tuy nhiên đến đêm 5/6 bé bị co giật, sùi bọt mép, dịch tràn từ miệng ra. Sau đó gia đình đưa bé vào điều trị tại bệnh viện tỉnh ba ngày nhưng vẫn không hết sốt, gia đình chuyển bé xuống Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương các bác sỹ thăm khám, làm các xét nghiệm thì cho kết quả bé bị viêm não Nhật Bản.

Một trường hợp khác cũng bị viêm não Nhật Bản là bé Nguyễn Văn Nguyên, 18 tháng tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội. Bé vào nhập viện ngày 10/6.

Mẹ của bé Nguyên kể lại, trước đó bé bị sốt, sau đó bé bị co giật toàn thân, sau những cơn co giật bé bị rối loạn tri giác, người lơ mơ.

Qua khai thác, mẹ của hai bé cho biết, do hai bé hay bị ốm nên gia đình vẫn chưa tiêm phòng các mũi viêm não cho bé.

Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, đến nay các bé đã hồi phục trở lại, ăn được và nhận thức dần linh hoạt.

Bác sỹ Lâm cho hay, trước kia khi chưa có tiêm chủng thì tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản cao, từ khi có vắcxin phòng viêm vão Nhật Bản thì tỷ lệ trẻ bị viêm não đã giảm đi nhiều. Đối tượng bị mắc bệnh này chủ yếu là trẻ em từ 2 đến 8 tuổi.

Theo bác sỹ Lâm, mùa Hè là những tháng cao điểm của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng khi những con vật trung gian truyền bệnh như muỗi phát triển nhiều có thể đốt vào con người và truyền bệnh.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai phân tích, những trẻ bị mắc viêm não Nhật Bản hay rất nguy hiểm. Nếu trẻ không được phát hiện và cứu chữa kịp thời sẽ dẫn tới những di chứng như bại não, phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được.

Để dự phòng bệnh viêm não, phó giáo sư Dũng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắcxin phòng viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản đầy đủ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ngủ màn để tránh muỗi truyền bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục