Cảnh báo gia tăng chống người thi hành công vụ

Hiện tượng chống người thi hành công vụ đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp mà nguyên nhân được cho là tại cả hai phía.

Liên tiếp trong những tháng vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông. Những hành vi này gióng hồi chuông cảnh báo về thái độ, đạo đức ứng xử và ý thức coi thường pháp luật.


GIa tăng đáng báo động

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 364 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2010. Đáng chú ý, nhiều vụ việc có tính chất công khai, trắng trợn hơn trước.

Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng hướng dẫn tuyên truyền luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, sáu tháng đầu năm nay, tình trạng chống lại người thi hành công vụ, chống lại lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông diễn ra tương đối phức tạp.

“Lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát khác triển khai quyết liệt các giải pháp mạnh theo chỉ đạo của Bộ Công an về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mở các đợt cao điểm, tuần tra, kiểm soát, tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gia tăng số vụ chống đối lực lượng,” Thượng tá Sơn phân tích.

Cũng theo Thượng tá, đối tượng vi phạm luôn có suy nghĩ trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát cũng như việc xử lý của cơ quan chức năng. Khi vi phạm, họ dùng mọi biện pháp như xin xỏ, gọi điện cầu cứu nhằm tắc động, hối lộ công an để bỏ qua hành vi phạm lỗi. Khi không được đáp ứng, họ bắt đầu cản trở, hành hung đối với người thi hành công vụ.

Dẫn chứng cho nhiều vụ, khi lực lượng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, người vi phạm đã liều lĩnh đâm thẳng xe vào chứng tỏ thái độ coi thường kỷ cương pháp luật Nhà nước, thể hiện bản tính côn đồ, hung hãn.

“Đáng lưu ý, đối tượng chống lại người thi hành công vụ đang có xu hướng trẻ hóa. Có một bộ phận thanh niên xuống cấp đạo đức, không tôn trọng pháp luật. Đây là điều đánh báo động cần được dư luận xã hội lên án vì những hành vi này,” Thượng tá Sơn bức xúc.

Đâu là nguyên nhân?

Nhìn nhận tổng thể một cách khách quan, việc người vi phạm chống đối lại lực lượng thi hành công vụ có cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Về  phía những người thực thi công vụ, nhiều trường hợp, một bộ phận lực lượng công an đã có cách hành xử, thái độ, giao tiếp chưa chuẩn mực với người tham gia giao thông.

Theo giáo sư-tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa-du lịch (Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), nhiều cảnh sát giao thông đang rất kém trong khâu ứng xử và giao tiếp với người dân .

Theo ông: “Trong mọi trường hợp, Cảnh sát giao thông không được nổi nóng, văng tục, phải nghĩ mình đang làm nhiệm vụ chứ không phải quan hệ tay đôi với dân. Cảnh sát giao thông phải giải thích để người ta hiểu, lần sau không vi phạm.”

Dưới góc độ người thi hành công vụ, đưa ra các cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng, Thượng tá Sơn cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt tổ chức tập huấn cho lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc nắm vững được chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.”

Cụ thể, đối với các đối tượng vi phạm hành vi hành chính nhẹ như không đội mũ bảo hiểm ở các tuyến đường đông người cố tình quay xe bỏ chạylạng lách đánh võng, lực lượng cảnh sát giao thông ghi nhận biển số xe phối hợp cảnh sát phía trước để xử lý đối tượng.

Với các đối tượng hình sự đang bị truy nã, lực lượng kiên quyết tấn công, truy đuổi để bắt đối tượng vi phạm.

Đồng thời, trong quá trình tuần tra, kiểm soát phải thực hiện đúng quy định của bộ công an, khi truy đuổi đối tượng vi phạm cảnh sát giao thông phải đảm bảo được đội hình.

Lực lượng cảnh sát giao thông phải chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ chống lại người thi hành công vụ.

Chia sẻ những thông tin này nhưng tiến sĩ Hiền cũng đưa ra lời khuyên cho người thi hành công vụ: “Cảnh sát giao thông nên đặt mình vào người vi phạm, phải hiểu chính mình cũng có khi cũng tùy tiện vi phạm.”

“Tính tùy tiện của dân mình rất cao, lại ưa nghe lời nói nhẹ nhàng, ai nặng lời họ cho là xúc phạm, nên không nghe. Vì thế, người thi hành phải nói năng lịch sự, mềm mỏng. Đối với người cộc cằn, thô lỗ, có biểu hiện chống cự mới phải tỏ thái độ kiên quyết nhưng cũng không được xúc phạm,” ông Hiền bàn về thái độ cư xử./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục