Cảnh báo về rủi ro tài chính đe dọa nền kinh tế Mỹ

Việc các nhà lập pháp không đưa ra được các biện pháp đối phó hiệu quả có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường đối với kinh tế Mỹ.
Những bất ổn tài chính vào cuối năm nay sẽ đe dọa nền kinh tế Mỹ và việc các nhà lập pháp không đưa ra được các chính sách, biện pháp đối phó hiệu quả có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin đã đưa ra cảnh báo này trong một bài viết đăng tải trên tờ "Nhật báo Phố Wall" số ra ngày 29/5.

Theo ông Rubin, các cuộc thương lượng về một thỏa thuận tài chính tại hai viện quốc hội mùa Hè năm ngoái đổ vỡ một lần nữa đã cho thấy những mâu thuẫn sâu sắc giữa các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa trong các chính sách kinh tế.

May mắn là một số biện pháp tài chính tại chỗ như tăng thuế và giảm chi tiêu bắt buộc sẽ tạo ra cơ hội đặc biệt thứ hai để hai bên thu hẹp bất đồng hướng tới một cam kết đột phá.

Cựu quan chức tài chính Mỹ lưu ý rằng tiếp tục thất bại trong thiết lập trật tự tài chính đồng nghĩa với việc Washington sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Trước tiên, đó là vay mượn của chính phủ sẽ không khuyến khích đầu tư tư nhân.

Trong khi đó, viễn cảnh tài chính bất ổn sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh và tâm lý của giới doanh nghiệp.

Thâm hụt ngân sách tăng cao sẽ làm suy yếu năng lực của chính phủ trong vấn đề đầu tư công cũng như khả năng giải quyết các yếu kém của nền kinh tế hay ứng phó với các sự kiện địa chính trị. Ngoài ra, các khó khăn tài chính cũng tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô nghiêm trọng.

Ông Rubin cho rằng ngay sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép và điều này có thể tạo động lực cho một chương trình tài khóa nghiêm túc.

Theo kế hoạch, việc tăng thuế và giảm chi tiêu bắt buộc sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2013, trong khi quốc hội bắt buộc phải nâng mức trần nợ công vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Theo ông Rubin, cắt giảm chi tiêu và tăng thuế có thể khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 3,5-4% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2013.

Ông đồng thời nhấn mạnh việc quốc hội trì hoãn đưa ra những lựa chọn khắc nghiệt sẽ chỉ càng khoét sâu thêm lỗ hổng của nền kinh tế, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng mới càng lớn và càng khó kiếm tìm các biện pháp khôi phục niềm tin.

Cựu Bộ trưởng tài chính Rubin cho rằng bất luận kết quả bầu cử thế nào, các nhà lập pháp Mỹ sẽ gặp phải đối mặt với những tình huống bất thường có thể tạo ra cơ hội lịch sử để tái định hình triển vọng kinh tế Mỹ trong dài hạn theo hướng tốt hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục