Cảnh sát Italy tịch thu 1 nhà hàng nổi tiếng vì dính líu đến mafia

Nhà hàng có tên Barroccio thuộc về Salvatore Lania, người đã bị bắt hồi đầu tháng 3 vừa qua vì có quan hệ mật thiết với một băng đảng của hệ thống 'Ndrangheta.
Cảnh sát Italy tịch thu 1 nhà hàng nổi tiếng vì dính líu đến mafia ảnh 1Quán Barroccio bị lực lương chống mafia Italy thu giữ hôm 15/7. (Nguồn: DIA)

Ngày 15/7, các lực lượng chống mafia Italy đã tịch thu một nhà hàng nổi tiếng ở trung tâm thủ đô Rome, do chủ sở hữu có dính líu đến 'Ndrangheta, hệ thống mafia lớn nhất và giàu nhất Italy hiện tại.

Nhà hàng có tên Barroccio nằm trong khu Pantheon ở trung tâm Rome này khá nổi tiếng và thường xuyên có rất đông du khách tới ăn. Tuy nhiên, nó thuộc về Salvatore Lania, người đã bị bắt hồi đầu tháng 3 vừa qua sau khi có những bằng chứng cho thấy doanh nhân này có quan hệ mật thiết với một băng đảng của hệ thống 'Ndrangheta.

Lania bị tố cáo đã đóng vai trò làm người trung gian rửa tiền bẩn cho mafia trong các hoạt động kinh doanh của mình. Trước đó, hai nhà hàng nổi tiếng khác do Lania làm chủ cũng ở trung tâm Rome là "Il Faciolaro" và "La Rotonda", có tổng trị giá lên tới 10 triệu euro, cũng đã bị khám xét và thu giữ vì lý do trên.

Đây không phải là lần đầu tiên một nhà hàng ở Rome bị cảnh sát thu giữ vì dính líu đến mafia của chủ sở hữu. Nhiều năm trước, dư luận Italy đã chấn động vì Cafe de Paris, quán càphê đã từng đi vào điện ảnh thế giới với những cảnh quay trong bộ phim kinh điển "La Dolce Vita" của đạo diễn huyền thoại Federico Fellini cũng đã bị thu giữ sau khi người ta phát hiện ra rằng, chủ sở hữu của quán là băng Alvaro của 'Ndrangheta.

Vụ thu giữ này đã gióng lên một hồi chuông báo động về việc 'Ndrangheta và các hệ thống mafia khác của Italy như camorra và Cosa Nostra đã rửa tiền hàng trăm triệu euro vào các bất động sản cũng như những dịch vụ du lịch, ẩm thực và văn hóa ở thủ đô Rome.

Một điều tra mới nhất của Hiệp hội nông dân Italy (Coldiretti) cho biết, hiện có ít nhất 5.000 nhà hàng lớn nhỏ trong cả nước Italy đang do các tổ chức tội phạm kiểm soát. "Tình hình khủng hoảng kinh tế đã tạo cơ hội cho mafia thâm nhập vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp bằng cách dùng tiền bẩn để mua lại các nhà hàng", báo cáo này viết. Theo tổ chức này, mỗi năm, mafia có doanh thu tới 15,4 tỷ euro nhờ các hoạt động liên quan đến các nhà hàng ở nước này.

Theo Ủy ban chống mafia thuộc Quốc hội Italy, 'Ndrangheta là hệ thống mafia giàu nhất và mạnh nhất ở Italy. Hiện tại, ngoài việc hoạt động mạnh ở miền Nam và miền Trung Italy, chúng nắm khoảng 80% thị trường ma túy ở Châu Âu và có các chân rết ở nhiều nước, trong đó có Đức, Canada và Australia.

Gần đây, một serie hai kỳ phát sóng trên truyền hình Australia đã cho thấy 'Ndrangheta cũng tìm cách thâm nhập vào hệ thống chính trị nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục