Cảnh sát Mỹ không cần trát của tòa để lấy thông tin định vị điện thoại

Một tòa án phúc thẩm Mỹ đưa ra phán quyết rằng cảnh sát không cần có trát của tòa để lấy thông tin định vị điện thoại di động trong khi tiến hành điều tra hình sự.
Cảnh sát Mỹ không cần trát của tòa để lấy thông tin định vị điện thoại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Cảnh sát không cần có trát của tòa để lấy thông tin định vị điện thoại di động trong khi tiến hành điều tra hình sự. Đây là phán quyết của một tòa án phúc thẩm Mỹ, đưa ra ngày 31/5.

Với 12/15 thẩm phán đồng ý, Tòa án Phúc thẩm Vòng thứ Tư ở Virginia đã quyết định lật ngược lại phán quyết trước đó của ban hội thẩm gồm 3 thẩm phán cho rằng cảnh sát đã vi phạm quyền của các bị cáo trong quá trình điều tra một loạt vụ trộm cướp có vũ trang.

Phán quyết do Thẩm phán Diana Motz đại diện soạn thảo cho biết trát của tòa là không cần thiết trong việc lấy thông tin định vị vì người sử dụng điện thoại di động "tự nguyện" cung cấp thông tin đó cho các nhà mạng mỗi khi họ gọi hay gửi tin nhắn.

Hiến pháp Mỹ sửa đổi lần thứ 4, chống các vụ điều tra và bắt giữ vô lý, không thể áp dụng trong trường hợp này vì người sử dụng điện thoại không có yêu cầu hợp lý về quyền riêng tư.

Theo phán quyết trên, cảnh sát có thể lấy thông tin định vị từ các nhà mạng bằng lệnh của tòa, loại giấy phép có thể xin dễ dàng, không cần các chi tiết đặc biệt về các hoạt động tình nghi phạm tội.

Trường hợp này vẫn có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao, tuy nhiên, phán quyết trên của Tòa án Phúc thẩm đã đánh dấu một bước lùi đối với các nhóm hoạt động đòi quyền bảo mật thông tin định vị điện thoại.

Thẩm phán James Wynn, ủng hộ các nhóm này, cho rằng kể cả khi những người sử dụng điện thoại di động nhận thức rõ rằng vị trí của họ ảnh hưởng đến các số liệu trên điện thoại, họ chắc chắn không biết tháp di động nào truyền cuộc gọi của họ.

Theo ông Wynn, việc giới chức lấy thông tin của 221 ngày và khoảng 29.000 điểm thông tin xác nhận vị trí là vượt quá quyền hạn, xâm phạm yêu cầu hợp lý về quyền riêng tư của người sử dụng, vi phạm Hiến pháp sửa đổi lần thứ 4.

Vấn đề vi phạm quyền riêng tư của lực lượng chức năng Mỹ đã trở thành mục tiêu bị để ý kể từ năm 2013, khi cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden lật tẩy một chương trình do thám khổng lồ của Nhà Trắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục