Cao Bằng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Các đại biểu tham dự Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra ở Cao Bằng đã có nhiều ý kiến góp ý.
Ngày 28/2, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị cấp tỉnh lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các ban Hội đồng Nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp của tỉnh đã đến dự.

Hội nghị sôi nổi thảo luận và có nhiều ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến bày tỏ sự đồng thuận, cơ bản nhất trí với nội dung các điểm mới, bổ sung, sửa đổi trong Dự thảo.

Các đại biểu tập trung góp ý vào các chế định về chế độ chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, chính quyền địa phương...

Nhiều ý kiến cho rằng trong Hiến pháp cũng cần có quy định về cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát trong hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành xã hội, theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của các các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương...

Một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; quy định rõ, đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền hạn, chức năng đại diện, giám sát của Hội đồng Nhân dân.

Về quyền con người, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cần bổ sung cho đầy đủ là “Mọi người đều có quyền sống, phát triển toàn diện và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Hội nghị cũng có nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu vào từng lĩnh vực, chuyên ngành. Về dân tộc, kinh tế, cần có quy định khẳng định rõ vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Nhà nước ưu tiên thực hiện các chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số nhằm thu hẹp tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa các vùng miền, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát triển toàn diện.

Cùng với góp ý về nội dung các quy định, có nhiều ý kiến tham gia về ngôn ngữ, kỹ thuật lập hiến, như tùy từng trường hợp mà dùng từ “công dân,” hoặc “mọi người” để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, phù hợp với đối tượng thực hiện quyền, nghĩa vụ; nên thống nhất quy định, quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức trong mọi lĩnh vực đều phải theo quy định của pháp luật...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Ngọc Chiến ghi nhận tâm huyết, trách nhiệm và chất lượng các ý kiến góp ý của các đại biểu.

Ông Hà Ngọc Chiến biểu dương các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua triển khai thực hiện tốt việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tạo đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt pháp lý sôi nổi, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Hà Ngọc Chiến đề nghị sau hội nghị, các đại biểu, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Mạnh Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục