Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Hai năm thu phí, nợ vẫn "lơ lửng trên đầu"

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chính thức thông xe khai thác toàn tuyến từ tháng 12/2015 với lưu lượng trung bình 25.000 lượt/ngày/đêm, song tiền thu phí mỗi ngày không đủ nhà đầu tư trả lãi các khoản vay.
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Hai năm thu phí, nợ vẫn "lơ lửng trên đầu" ảnh 1Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 07/12/2015, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được chính thức thông xe, đưa vào vận hành khai thác toàn tuyến. Qua thời gian khai thác, báo cáo thống kê của VIDIFI cho thấy, đến nay, lưu lượng xe chạy bình quân trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dao động trong khoảng 20.000-25.000 lượt/ngày/đêm, trong đó vào các ngày nghỉ, lễ, Tết cao nhất là 30.000 lượt xe/ngày/đêm (chiếm 60% tổng lưu lượng trên tuyến đường bộ Hà Nội-Hải Phòng).

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Đặng Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, dù lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng gia tăng nhưng do những khoản nợ vẫn “treo lơ lửng” trên đầu nhà đầu tư chưa được giải quyết  khiến số tiền phí thu về mỗi ngày thậm chí không đủ để trả đủ lãi các khoản vay.

Theo ông Đặng Văn Tâm, mức thu phí nhiều nhất của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là 5 tỷ đồng/ngày, ngày thường dao động 4 tỷ. So với thời gian đầu đưa vào khai thác thì mức thu phí khá hơn. Nhưng, số lãi hiện giờ nhà đầu tư vẫn phải trả cho khoản vay vốn thương mại mỗi ngày tới tận 7 tỷ đồng. 

Lý giải rõ hơn, vị Phó Tổng giám đốc VIDIFI cho biết: "Tổng công ty vẫn đang vay và trả lãi vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với lãi suất 10%/năm thì tính riêng tiền trả lãi vay cho khoản tiền giải phóng mặt bằng hiện cũng ngốn đến gần 500 tỷ/năm. Chưa kể, thủ tục tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD (200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức) của dự án vẫn chưa được chuyển đổi hoặc bố trí kế hoạch ngân sách để hỗ trợ mà Tổng công ty hiện vẫn đang phải chịu trách nhiệm trả nợ lãi.”

Cho đến nay, thậm chí khoản hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án là 4.069 tỷ đồng vẫn chưa được Nhà nước bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, ông Tâm nói thêm. 

“Nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí vào kế hoạch trung dài hạn 2016-2020 như cam kết của Chính phủ theo Quyết định 746/QĐ-TTg thì sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà đầu tư, ngân hàng huy động và cho vay vốn, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã tài trợ cho dự án đồng thời ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP (công-tư) mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đang quan tâm, chỉ đạo,” ông Tâm khẳng định.

Cùng với đó, liên quan đến việc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ông Tâm tiết lộ. Theo đó, thời gian qua, bên cạnh nhóm nhà đầu tư Ấn Độ, cũng có nhà đầu tư khác từ Nhật Bản và nhóm nhà đầu tư tư vấn kêu gọi Australia, Mỹ quan tâm tới vấn đề chuyển nhượng một phần dự án.  Tuy nhiên, qua các cuộc đàm phán và đánh giá của VIDIFI, các nhà đầu tư hiện nay đều băn khoăn, chưa đi vào đàm phán, thỏa thuận chi tiết các điều kiện chuyển nhượng vì họ cho rằng khoản cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.

Do đó, VIDIFI đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải) xem xét, giúp đỡ, sớm bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ khoản chi phí giải phóng mặt bằng của dự án (khoảng 4.069 tỷ đồng) và tái cơ cấu khoản vay 300 triệu USD để phương án tài chính dự án không bị đổ vỡ, đảm bảo khả năng hoàn vốn đầu tư của dự án./.

Theo quyết định phê duyệt dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ… Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5km, tốc độ thiết kế 120km/giờ, có 6 trạm thu phí.

Dự án đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả khi giảm tải cho Quốc lộ 5, liên kết với cảng biển, sân bay và các quần thể du lịch, thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ và sản xuất trong khu vực Bắc Bộ phát triển.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục