Cấp giấy phép hành nghề y dược: Cần tránh nhũng nhiễu, hạch sách

Việc cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y, dược đang nhận được nhiều ý kiến về phương án cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án cấp chứng chỉ một lần.
Cấp giấy phép hành nghề y dược: Cần tránh nhũng nhiễu, hạch sách ảnh 1Việc cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y dược đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thời gian gần đây, việc cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y, dược đang là một vấn đề “nóng” được quan tâm.

Vấn đề trên nhận được nhiều ý kiến về phương án cấp chứng chỉ có thời hạn 5 năm và phương án cấp chứng chỉ hành nghề một lần. Với phương án cấp chứng chỉ hành nghề chỉ một lần, khi đó người bác sỹ, dược sỹ khi có chứng chỉ sẽ được sử dụng suốt đời.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động trong lĩnh vực y tế chỉ cấp duy nhất 1 lần và dùng được lâu dài, do đó nảy sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn như có trường hợp sau khi cấp xong chứng chỉ hành nghề đó thì cơ quan chức năng mới phát hiện bằng cấp không phù hợp.

Theo các chuyên gia về y tế, nhiều nước trên thế giới họ chỉ cấp trong thời hạn 2 năm đến 5 năm và hàng năm họ có kiểm tra và gia hạn. Còn với Việt Nam thì công tác kiểm tra vẫn còn thách thức và chưa được thực hiện khiến tồn tại nhiều bất cập trong lĩnh vực này.

Trước những luồng ý kiến trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam về vấn đề này để có những góc nhìn toàn diện và thấu đáo hơn.

"Có bằng tốt nghiệp ngành y vẫn chưa được hành nghề"

- Xin giáo sư cho biết, tại sao phải cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề trong lĩnh vực y dược?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Chúng ta phải phân biệt khái niệm bằng tốt nghiệp và chứng chỉ hành nghề đối với những người làm ngành y.

Với sinh viên ngành y, dược, sau khi học xong một chương trình đại học, nhận được bằng tốt nghiệp, nhưng bằng này chưa đủ để sinh viên ngành y được hành nghề. Bởi tấm bằng đó chỉ ở trong phạm vi giai đoạn nhà trường, người sinh viên được tiếp thu khối kiến thức về lý thuyết, còn “tay nghề” về thực hành chưa được rèn luyện bài bản.

Trong trường y, các sinh viên ngành y có thực hành nhưng chưa đủ để áp dụng, thực hành trên cơ thể con người.

Vì vậy, ở tất cả các nước, những người trong nghề y muốn hành nghề ngoài bằng tốt nghiệp họ còn cần giấy phép để hành nghề. Để có được giấy phép hành nghề thì người bác sỹ đó phải trải qua cuộc thi, sau đó được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề.

- Thưa giáo sư, hiện nay, có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề y dược một lần hay định kỳ phải sát hạch lại đủ tiêu chuẩn mới được cấp lại. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này ra sao?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Cùng với xu thế trên thế giới, Việt Nam đang hội nhập nên chăng cần tuân thủ với nước khác. Bởi khi hội nhập, các bác sỹ của chúng ta sang nước khác hành nghề mới được họ công nhận. Nếu chúng ta thực hiện một quy định riêng (đứng một mình khác với các nước) thì khi hội nhập, đội ngũ bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài sẽ không được công nhận hành nghề ở các nước khác.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới người ta cấp chứng chỉ theo niên hạn. Sau một số năm, hay sau vài năm, tùy từng nước họ cấp lại chứng chỉ sau một đợt sát hạch.

Nên cấp giấy phép hành nghề y dược có niên hạn

- Giáo sư có thể phân tích rõ hơn, vì sao chứng chỉ hành nghề của nghề y cần phải được cấp lại sau vài năm?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Công tác chăm sóc sức khỏe có một vị trí quan trọng, động chạm đến tất cả mọi người trong xã hội. Trong cuộc đời của mỗi con người, hầu như không có người dân nào không liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe.

Vì đây là nghề thực hành đòi hỏi phải có kinh nghiệm, có từng trải nên phải rèn luyện tay nghề.

Tôi dẫn chứng, có người bác sỹ chữa bệnh cho 99 người khỏi, nhưng đến người 100 chưa chắc họ đã khỏi bệnh. Bởi mỗi cơ thể khác nhau, tính phản ứng khác nhau nên người thầy thuốc phải có kinh nghiệm và từng trải. Tay nghề thao tác chuẩn, gần như là bản năng mới đảm bảo tính chất hành nghề.

Tôi xin nhấn mạnh, trong ngành y, cấu tạo cơ thể con người là một điều phức tạp nhất, mang tính đa dạng nhất. Trong hàng chục vạn người, chúng ta mới tìm được 2 người giống nhau như anh em sinh đôi cùng trứng.

Bên cạnh đó, kiến thức về y học, dược học luôn đồ sộ và trong thời gian gần đây có những thay đổi rất nhanh chóng. Có những kỹ thuật ra đời phát triển nhanh, mang lại hiệu quả lớn như chẩn đoán hình ảnh, nội soi, thụ tinh ống nghiệm…

Hiện nay, mặt hàng thuốc cũng là một trong những lĩnh vực có nhiều sự thay đổi rất nhanh. Có những thuốc làm rất cẩn thận, cho sử dụng rồi không sử dụng.

Về phía bệnh nhân, cơ thể con người mang tính đa dạng, phức tạp, lại có tính phản ứng với thuốc khác nhau. Cùng một bệnh thuốc này hiệu quả người này, người kia không hiệu quả. Điều này phụ thuộc vào phản ứng, đáp ứng của cơ thể với thuốc. Bởi có người dùng thuốc đó thì ổn, tuy nhiên lại có người dị ứng thì loại thuốc đó lại có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vì thế nghề y, dược phục vụ vấn đề chăm sóc sức khỏe đòi hỏi phải từng trải và kinh nghiệm.

Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe còn nhiều đặc thù. Bởi đây là ngành liên quan sinh mạng, sức khỏe nên quyền lực rất cao. Người bác sỹ có quyền đụng chạm đến cơ thể người bệnh, thăm khám… là việc họ phải làm cho vấn đề chẩn đoán, khám chữa bệnh. Vì quyền lực, nên nhân viên y tế trong nghề y có cơ hội để lạm dụng quyền lực này vì mục đích cá nhân, mục đích xấu. Do đó, không nghề nào người ta lại đề cao đạo đức nghề nghiệp như nghề y.

Hiện nay, khối lượng kiến thức của nhân loại luôn thay đổi và kiến thức nhiều. Kiến thức về y học thay đổi nhanh chóng, người thầy thuốc nếu không học, không tiếp thu sẽ lạc hậu. Có những loại thuốc trước đây có thể là chỉ định, nay là chống chỉ định.

Trong y học có từ đào tạo y khoa liên tục. Đặc biệt, bản thân người bác sỹ phải coi đây là nhiệm vụ mới có kiến thức thực hành. Vì những lý do đó, các nước đều cấp giấy phép hành nghề y dược có niên hạn. Sau từng giai đoạn người bác sỹ phải thi sát hạch lại, cấp lại giấy phép hành nghề.

Cấp giấy phép hành nghề y dược: Cần tránh nhũng nhiễu, hạch sách ảnh 2Giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Nâng cao vai trò của hội tổ chức nghề nghiệp

- Giáo sư có thể chia sẻ rõ hơn, tại các nước, những đơn vị nào sẽ tham gia việc cấp chứng chỉ hành nghề cho những người hoạt động trong lĩnh vực y dược?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt vấn đề này. Các nước, vai trò của các hội xã hội nghề nghiệp trong cấp chứng chỉ có ý nghĩa quan trọng. Người nào muốn hành nghề phải tham gia một hội và được hội đó quản lý.

Chẳng hạn như một bác sỹ nhi khoa phải tham gia hội nhi khoa mới được mở phòng mạch nhi khoa. Trước hết họ phải được sự đồng ý của hội xã hội nghề nghiệp mà mình tham gia. Quá trình cấp chứng chỉ ấy phải có hội nhi khoa đó tham gia. Vì nhà nước có tiến hành thanh kiểm tra mấy thì lực ượng cán bộ nhà nước cũng không làm nổi. Chính bản thân các hội mới theo dõi, kiểm soát lẫn nhau.

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, theo tôi, công tác giám sát tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe, chính là bản thân người bệnh và các hội nghề nghiệp. Họ theo dõi nhau, họ hiểu được trình độ, điều kiện làm việc của các đơn vị đó như thế nào. Vì vậy, theo tôi vai trò của các hội xã hội nghề nghiệp trong việc cấp chứng chỉ là quan trọng.

Ở Việt Nam điều này chưa được thực hiện. Cùng với vấn đề đó chúng ta phải cải cách hành chính trong cấp chứng chỉ hành nghề, sao cho minh bạch, công khai.

Nếu cấp chứng chỉ hành nghề giao cho cơ quan nào đó không có cơ chế để minh bạch, công khai nhiều khi lại gây nhũng nhiễu, phiền hà.


Cải cách để tránh nhũng nhiễu, hạch sách

- Theo giáo sư, ở Việt Nam trong việc cấp chứng chỉ hành nghề ông có những lưu ý, kiến nghị như thế nào?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Cá nhân tôi thấy, việc cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn là phù hợp với xu thế chung thế giới, đảm bảo chất lượng cán bộ phụ trách, chăm sóc sức khỏe. Song song vấn đề này phải đặt ra một cơ chế về hành chính thích hợp, trong đó có việc phát huy vai trò của hội xã hội nghề nghiệp. Do vậy cấp chứng chỉ, giấy phép hành nghề mới hiệu quả và không nhũng nhiễu.

Các nước​ trên thế giới thường tiến hành cấp lại chứng chỉ hành nghề y dược sau 5 năm, vì đó là thời gian đủ để có những thay đổi lớn, đủ để những người hoạt động trong lĩnh vực y tế tích lũy các kinh nghiệm, tránh gây ra chuyện thi cử, sát hạch ngoài lần đó gây phiền phức.

Nhiều nước trên thế giới việc sát hạch để cấp lại chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y dược được giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra tổ chức. Nhà nước dựa vào kết quả phân giấy phép hành nghề.

Tôi xin lưu ý đặc biệt đến tính đồng bộ trong pháp luật. Chúng ta đặt chứng chỉ hành nghề để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phải đặt vấn đề hành lang pháp lý, cơ chế vận hành, giám sát và cả cải cách hành chính. Nếu chúng ta chỉ đặt giấy phép hành nghề mà không cải cách hành chính, công nghệ thông tin sẽ gây tác hại nhũng nhiễu, những vấn đề hạch sách./.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục