Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó kịp thời

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu để có giải pháp thích ứng đạt hiệu quả.
Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó kịp thời ảnh 1(Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngày 26/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị "Thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long."

Tham dự hội nghị còn có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, nhà quản lý và nhà khoa học trong nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và thành phố với tổng diện tích khoảng 40.000km2, chiếm 12,3% diện tích của cả nước.

Dân số Đồng bằng sông Cửu Long là 18 triệu người, chiếm 20%, dân số của cả nước. Đây là vùng có địa hình thấp và bằng phẳng, phần lớn có độ cao trung bình từ 0,7-1,2m so với mực nước biển và là vùng bị ảnh hưởng năng nề bởi sự biến đổi khí hậu, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường và xâm nhập mặn.

Hằng năm, 50% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập từ 3-4 tháng, 40% diện tích bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Tuy nhiên, trước những biểu hiện của biến đổi khí hậu như nhiệt độ, mực nước biển tăng, thay đổi lượng mưa, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được coi là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như nhiễm măn, ngập úng... dẫn đến thiếu nước, mất an ninh lương thực. Do đó, cần sớm có biện pháp triển khai các giải pháp đồng bộ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước tình hình trên, Cục Quản lý Tài Nguyên nước Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thủy lợi đã báo cáo phân tích, đánh giá tầm quan trọng đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước cho từng vùng, tiểu vùng của Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp quản lý, giám sát hạn hán, lũ lụt và xâm mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhà quản lý và nhà khoa học còn có báo cáo tham luận nêu lên thực trạng, thuận lợi và thách thức; qua đó, đề xuất các giải pháp thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, quản lý nguồn nước, chất lượng nước phục vụ sản xuất nuôi trồng, đặc biệt là ứng phó với xâm nhập mặn, nước dâng, sụt lún...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã đặt ra nhiều khó khăn và thách thức, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất, môi trường, đảm bảo sinh kế của người dân; vì vậy không được chủ quan mà phải nỗ lực tìm ra mô hình mới thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu để có giải pháp thích ứng đạt hiệu quả; hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với tái cơ cấu nền nông nghiêp, các chương trình dự án cho Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến bền vững.

Các địa phương cần có giải pháp thích ứng, tăng cường phối hợp, lồng ghép thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, đặc biệt là quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, quy hoạch lại và tối ưu hóa vận hành hệ thống kênh thủy lợi, cống ngăn mặn, củng cố và xây dựng mới đê biển. Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để chính quyền, nhân dân thông hiểu về chương trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng-thương mại-du lịch Công Lý tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long-Cà Mau giai đoạn 1.

Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó kịp thời ảnh 2 Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và thực hiện nghi thức lễ khởi công.

Nhà máy được xây dựng trên diện tích 2.185ha, có vốn đầu tư trước thuế là 5.519 tỷ đồng, quy mô 50 trụ tuabin gió trên biển bằng bêtông cốt thép bền sunphat với tổng công suất 100 MW.

Ngoài ra, Công ty Công Lý còn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật điện như trạm biến áp, hệ thống cáp ngầm đi trên cầu dẫn 62km đề đấu nối và dẫn điện các tuabin. Dự án xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành khai thác sẽ cung cấp 280 triệu KWh cho lưới điện quốc gia.

Đây là dự án quan trọng, mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp, du lịch. Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau mong muốn chủ đầu tư khắc phục khó khăn về thời tiết, thực hiện đúng thời gian, tiến độ dự án với chất lượng cao nhất, đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Các sở, ngành có liên quan, nhất là Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện tốt dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục