Càphê thời chiến, một góc quá khứ thu nhỏ giữa lòng Hà Nội

Ngay giữa lòng Hà Nội, quán Cafe Đó với rất nhiều hiện vật được chủ nhân sưu tầm từ khắp mọi miền đất nước đã gợi nhắc về lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Càphê thời chiến, một góc quá khứ thu nhỏ giữa lòng Hà Nội ảnh 1Chủ nhân quán Cafe Đó bên những kỷ vật thời chiến (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nằm khuất khá sâu trong con phố mới tại khu đô thị Bắc Linh Đàm, quán Cafe Đó từ hơn một tháng nay đã trở thành điểm đến của không ít những người hoài cổ.

Những súng đạn, áo bông, loa tàu thủy... thời kháng chiến từ khắp nơi tụ lại, bày biện ngay giữa quán, gợi nhắc về cuộc chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm về trước.

Chủ quán Đó, anh Vũ Văn Duy có tuổi đời trẻ hơn nhiều so với tất cả những hiện vật được trưng bày tại căn phòng chừng 40 m2 tọa ở số 79 phố Đặng Xuân Bảng này.

Năm nay 34 tuổi, nhìn Duy không ai nghĩ anh có thú vui sưu tầm những thứ vốn thuộc về quá khứ, gắn với những thế hệ trước, mang nhiều dấu ấn đau thương nhưng chẳng kém phần oanh liệt.

Càphê thời chiến, một góc quá khứ thu nhỏ giữa lòng Hà Nội ảnh 2Những kỷ vật đã trải qua bom đạn... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhìn khoảng không được bày biện đủ thứ từ súng, đạn, đuôi tên lửa, họng pháo cũ… Duy cho hay: "Ý tưởng hình thành nên quán Cafe Đó xuất phát từ việc gia đình tôi có rất nhiều vật dụng được lưu giữ lại từ hai cuộc chiến.

Từ bé, được nghe những chuyện hào hùng thời chiến, tôi đã có sở thích được giữ lại những vật dụng thời kỳ này. Lớn lên, khi kinh tế ổn định, được đi nhiều nơi, tôi lại có điều kiện để tiếp tục theo đuổi sở thích của mình.”

Chiếm lĩnh phần lớn không gian của Cafe Đó là gần trăm kỷ vật thời chiến được vị chủ nhân 8X mang về từ khắp nơi. Những hòm đạn có tuổi đời mấy chục năm được Duy xếp gọn vào một góc nhỏ, cách điệu thành bàn uống nước đậm màu thời gian. Những kiểu súng từng trải qua khói lửa giờ cũng nằm im lìm trên 4 bức tường xám của quán nhỏ.

Càphê thời chiến, một góc quá khứ thu nhỏ giữa lòng Hà Nội ảnh 3... gợi nhắc lại một phần quá khứ hào hùng đã qua (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vỏ đạn cối với nhiều kích cỡ thì được vị chủ nhân chủ khéo léo bày biện thành hàng trên các kệ gỗ được làm giả cổ đặt ngay trước quầy pha chế. Ánh đèn được giảm tối đa, không gian trong phút chốc như được kéo ngược lại về hàng thập kỷ về trước.

Đặc biệt hơn, Cafe Đó còn giữ được những hiện vật gắn chặt với cả một quãng thời gian hữu hình trong lịch sử.

Chỉ vào một chiếc còi hú cỡ lớn đã xỉn màu, Duy không giấu diếm sự tự hào. Anh bảo, đây cũng là hiện vật có tuổi đời lớn nhất trong quán hiện nay.

“Trong một chuyến đi thăm quan ở Quảng Nam, tình cờ tôi thấy chiếc còi hú bằng nhôm được treo chiếc cổng một ngôi nhà. Tò mò, tôi hỏi thì được biết, đây là chiếc còi hú trên tàu chiến của thực dân Pháp khi mới vào xâm chiếm Việt Nam,” Duy chia sẻ.

Càphê thời chiến, một góc quá khứ thu nhỏ giữa lòng Hà Nội ảnh 4Chiếc còi hú ghi đậm dấu ấn lịch sử. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiểu được giá trị lịch sử hàm chứa bên trong cổ vật, Duy hết lòng thuyết phục vị chủ nhà nhượng lại. Ban đầu, chủ nhân món đồ nhất quyết không đồng ý.

“Chỉ tới khi chúng tôi nói rõ mục đích đưa hiện vật về để trưng bày chứ không phải bán lại, người chủ mới thuận tình và cho không kèm theo lời hứa sẽ có mặt tại Hà Nội để chiêm ngưỡng toàn bộ kho sưu tầm của tôi,” Duy hồ hởi nói.

Trong số hàng trăm món đồ gợi nhắc về quãng dài bom đạn tại quán càphê này, khách hàng được tận tay sờ vào đuôi chiếc tên lửa đã bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Việt, được tận mắt thấy chiếc áo bông từng cùng các chiến sỹ tham gia các chiến dịch. Mỗi một đồ vật lại gắn với một câu chuyện rất riêng và được chủ quán, kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên kể lại.

Càphê thời chiến, một góc quá khứ thu nhỏ giữa lòng Hà Nội ảnh 5Một góc cũ kỹ tại Cafe Đó (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thời điểm chúng tôi đến, quán khá đông khách, già có, trẻ có, doanh nhân có, nghệ sĩ cũng có. Những người ngồi đây đều có một điểm chung là sự thích thú, ngưỡng mộ đối với bộ sưu tập của anh Duy.

Chủ quán kể với chúng tôi về những vị khách của mình. Có lần, một nhóm khách trẻ đến quán, hình như cũng chỉ tiện đường thì ghé vào. Chưa kịp gọi đồ uống, mấy cậu đã chạy vội tới những vật dụng thời chiến, hớn hở đội mũ lính, cầm máy thông tin để chụp ảnh.

“Tôi cũng nhớ, mới mở quán được một tuần, có một bác cựu binh dẫn theo cả cậu con trai tới. Bác lần lượt giới thiệu cho cháu về lịch sử của từng món đồ với tất cả niềm say mê. Tôi chưa từng thấy đôi mắt nào vui như thế!” Anh Duy nói trong xúc động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục