Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa

Trên tàu HQ 561 tới thăm quần đảo Trường Sa, các thủy thủ đoàn cũng như khách là những người thăm thân không bỏ lỡ cơ hội buông câu, bắt cá trên Biển Đông.

Đoàn công tác thuộc Lữ đoàn 146 (vùng 4 Hải quân) đã vượt sóng đến thăm quần đảo Trường Sa. Trên tàu HQ 561, các thủy thủ đoàn cũng như khách là những người thăm thân không bỏ lỡ cơ hội buông câu, bắt cá trên Biển Đông.

Câu đêm trên biển không chỉ là thú vui mà còn giúp đoàn công tác cải thiện bữa ăn trên chuyến hải trình dài ngày này.

Khi màn đêm buông xuống, trên boong tàu HQ 561 như ngày hội, mọi người tụ tập buông câu bắt cá. Những tiếng hò reo vang dội, khi những chú cá lớn được kéo lên từ biển.

Câu cá ở Trường Sa có hai cách là câu kéo (mắc mồi vào lưỡi và buông câu xuống độ sâu chừng 30 - 50 m rồi kéo lên để nhử cá) và câu ngâm (mắc mồi và quăng xuống biển ở độ sâu vài trăm mét, chờ khi nào cá cắn câu thì kéo lên).

Mồi câu là những con cá chuồn nhỏ, chỉ treo vài bóng đèn neon ở mạn tàu là cá chuồn bơi đến rất nhiều,chúng bay là là trên mặt biển, sáng lấp lánh như những vì sao đêm, trông rất đẹp mắt. Bắt cá chuồn rất dễ, chỉ cần đưa vợt xuống vớt là đã có một chú cá chuồn, sau vài tiếng đồng hồ, các thuyền viên đã vớt cả chậu cá.

Không chỉ dùng cá chuồn làm mồi câu, mà còn dùng phần bụng của những con cá lớn bắt được trước đó để làm mồi cho đợt buông câu tiếp theo, vì phần bụng cá vừa dai, vừa trắng sáng dưới ánh đèn điện nên dễ dụ cá cắn câu.

Cá mực, cá mú, cá ngừ thấy ánh đèn điện rủ nhau bơi đến, lượn lờ hai bên boong tàu, nhìn như một bức tranh sống động.

Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 1Dây câu cá ở Trường Sa được sử dụng từ những cuộn cước buộc lưỡi, chì và mắc mồi từ những con cá chuồn nhỏ.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 2Chỉ cần cá mắc câu, giựt dây ở độ sâu hàng trăm mét là người câu phải biết cách kéo dây sao cho đều đặn để đưa cá lên.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 3Thuyền viên Nguyễn Quang Sáng vui mừng khi kéo lên được chú cá Ngừ.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 4Bác sĩ tàu 561 Thái Đàm Lương với con cá Ngừ nặng hơn 10kg vừa câu được.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 5Những con cá tươi rói được đưa lên boong tàu từ biển khơi.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 6Một thuyền viên với thành quả câu cá của mình trên biển Trường Sa.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 7Không những các thuyền viên mê câu cá mà cả từ đất liền ra đều muốn thử sức câu cá đêm.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 8Cá tươi hấp thơm ngon, được thưởng thức ngay trên boong tàu chuyến công tác.
Câu cá đêm-thú vui của các thuyền viên trên đường tới Trường Sa ảnh 9Với thuyền viên, việc câu cá không chỉ là thú tiêu khiển mà còn là cách để anh em trên tàu cải thiện bữa ăn.

Anh Nguyễn Quang Sáng, thuyền viên báo vụ số 1, cho biết: “Câu ở vùng biển nước sâu không dùng phao nên để biết cá đã cắn câu hay chưa thì bắt buộc phải có cảm giác ở đôi tay.

Chỉ cần cá mắc câu, giựt dây ở độ sâu hàng trăm mét là người câu phải biết cách kéo dây đều đặn để kéo cá lên. Nếu cá lớn thì phải dùng móc sắt”.

Tiếng hò vang cả góc boong khi Đoàn trưởng, Đại tá Bùi Hải Phước kéo lên một con cá ngừ nặng khoảng 20 kg.

Trên chuyến hải trình, buông câu hên xui theo luồng cá, nhưng người câu phải nắm được lý thuyết cơ bản về thời tiết, không thả mồi vào đêm trăng sáng vì vào thời điểm đó cá không đi ăn đêm.

Mỗi lần đi qua đảo Đá Lát, Đá Tây hay Thuyền Chài…các thuyền viên trên tàu không bỏ lỡ cơ hội buông câu. Nhiều lần gặp luồng cá măng, chỉ cần dùng vợt cũng có thể vớt được hàng tạ cá.

Không những các thuyền viên tàu HQ 561 đam mê câu cá mà bộ đội từ đất liền ra nhận nhiệm vụ tại đảo hay bộ đội từ đảo về đất liền đều muốn thử sức trò chơi câu cá đêm trên biển đầy thú vị./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục