Câu chuyện đầy cảm xúc về số phận của "người đàn ông trên bàn mổ"

Baynazar Mohammad Nazar là một người chồng, người cha của 4 đứa con, và là một bệnh nhân thiệt mạng trong vụ tấn công bệnh viên MSF ở Kunduz, Afghanistan hôm 3/10.
Câu chuyện đầy cảm xúc về số phận của "người đàn ông trên bàn mổ" ảnh 1Sự ra đi của Baynazar Mohammad Nazar khiến gia đình anh phải chịu nhiều nỗi đau to lớn. (Nguồn: foreignpolicy.com)

Baynazar Mohammad Nazar là một người chồng, người cha của 4 đứa con, và là một bệnh nhân thiệt mạng trong vụ tấn công bệnh viên MSF ở Kunduz, Afghanistan hôm 3/10.

Dưới đây là câu chuyện của anh:

Trong phòng mổ đầu tiên, chiếc giường phẫu thuật trống trơn ngoại trừ một lớp mỏng bụi bêtông. Phòng thứ hai bị thiệt hại nặng hơn. Trong tư thế tay chân dang thẳng, thi thể của một người đàn ông nằm ngửa trên chiếc bàn phẫu thuật với một ống truyền nối vào cánh tay trái. Thân người anh lốm đốm những mảng màu nâu vàng của thuốc khử trùng; đùi bên phải của anh được cố định bằng một khung thép.

Một tấm rèm phẫu thuật đã đổ xuống ngực và vai anh, phía trên vị trí nơi một tấm trần đè ngang thân người anh. Trên tấm đệm đỡ đầu, quai hàm và bộ râu là tất cả những gì còn lại trên đầu người bệnh này – những phần còn lại có vẻ như đã bị cắt đứt bởi mảnh đạn hoặc một đợt nã đạn ác liệt nào đó.

Tại hành lang bên ngoài dãy phòng mổ, rất nhiều tấm trần vỡ đã rơi xuống sàn, nằm dưới một lớp bụi bặm và gạch đá; một tấm bảng trắng treo xộc xệch trên tường. Ngay cả vào giữa buổi chiều, ngoài tiếng nổ của súng Kalashnikov thi thoảng dội lại từ xa, khu vực này của bệnh viện vẫn yên lặng và tối tăm.

Tòa nhà chính của Trung tâm điều trị chấn thương tại Kunduz của tổ chức Bác sỹ không biên giới đã bị tàn phá nghiêm trọng. Gần như chẳng còn lại gì sau những cuộc tấn công chết chóc do một chiếc máy bay chiến đấu AC-130 của Mỹ tiến hành trong hơn một giờ đồng hồ. Trong những tuần sau cuộc tấn công, các điều tra viên xác định rằng ít nhất đã có 30 nhân viên và bệnh nhân đã thiệt mạng vào ngày 3/10. Ban đầu, lính biệt kích Afghanistan cho biết họ đã đưa ra yêu cầu tiến hành không kích sau khi bị các chiến binh Taliban tấn công ở khu tổ hợp bệnh viện.

Các quan chức chính phủ Afghanistan cũng khẳng định điều tương tự, trong khi hàng chục nhân chứng tôi đã phỏng vấn đều phủ nhận điều này. Kết quả điều tra do quân đội Mỹ công bố vào ngày 25/11 đã thừa nhận rằng lỗi con người cũng như lỗi kỹ thuật đã gây ra một “tai nạn thương tâm nhưng hoàn toàn có thể tránh khỏi.”

Người đàn ông trên bàn mổ là thi thể duy nhất có thể tương đối nhận diện được bằng mắt trong số những xác người có trong trung tâm điều trị. Và khi tôi nhìn thấy anh ấy lần đầu tiên thì người đàn ông này đã nằm chết trên chiếc bàn mổ đó trong suốt một tuần trong khi chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt trên khắp thành phố.

Phải tới bốn tuần sau tôi mới biết được tên người đàn ông ấy.

Baynazar Mohammad Nazar, một người tầm thước, cha của 4 đứa con, với một bộ râu gọn gàng màu muối tiêu, làm nghề chowkidor (bảo vệ không vũ trang) ban đêm. Công việc của anh chủ yếu là tuần tra một dọc những cửa hàng trang sức và điểm đổi tiền cách nhà anh ở Ibrahim Khel khoảng 1 dặm. Đây là một ngôi làng nghèo với những căn nhà xây bằng gạch bùn, và những con ngõ đầy bụi đất ở phía đông nam Kunduz.

Ngay cả với một người đàn ông 43 tuổi không được đào tạo thì đó cũng không phải là một công việc trả lương cao, nhưng ​đối với anh, có việc làm để kiếm thu nhập đã là rất may mắn rồi. Tình trạng thất nghiệp vẫn đang tiếp tục gia tăng trong năm vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế Afghanistan xuống dốc nghiêm trọng.

Nếu không phải vì những lời phản đối của cô con gái 10 tuổi Raiana thì anh đã rời khỏi Kunduz và đi tìm việc trả lương cao hơn ở Iran, giống như những gì rất nhiều người bạn của anh đã làm.

Chính Raiana là người đợi cửa cho cha vào buổi sáng sau những ca làm đêm mệt mỏi. Đôi khi anh mang về nhà bánh mỳ mới nướng hoặc hoa quả khô, và cô bé cùng với các em của mình – em gái Zahra, 8 tuổi và em trai Khalid, 6 tuổi – sẽ chào đón cha bằng một cái ôm.

Về cuối mùa Hè, khi những đêm làm việc nóng bức của Baynazar tại khu chợ bắt đầu trở nên mát mẻ hơn, thì Taliban đang củng cố và giành giật thêm lãnh thổ xung quanh thành phố Kunduz. Các lực lượng của chính phủ đã điều hành nhiều đợt tấn công dữ dội vào các tháng mùa xuân và hè, nhưng lực lượng nổi dậy vẫn chưa dừng lại ở đó.

Sáng sớm 28/9, hàng trăm chiến binh Taliban, trước đó lẩn trốn trong thành phố, được vũ trang đầy đủ đã tiến hành tấn công cùng lúc với những chiến binh đến từ các quận lân cận. Các lực lượng chính phủ Afghanistan đã rút lui trong hỗn loạn về một đường bay gần đó.

Tới buổi trưa, thành phố Kunduz đã rơi vào tay Taliban. Đây là thủ phủ cấp tỉnh đầu tiên thất thủ kể từ khi nhóm này buộc phải nhường lại quyền kiểm soát thành phố cho Liên minh phương Bắc và các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ vào tháng 11/2001.

Sợ hãi trước những đợt phản công của chính phủ chẳng kém gì những kẻ độc tài hiện tại của họ, nhiều người dân đã trốn sang Kabul hoặc các tỉnh lân cận. Nhưng ít nhất một nửa số dân đã ở lại và trú ẩn trong nhà cho tới khi chiến sự kết thúc – Baynazar và gia đình của anh cũng nằm trong số đó.

Chỉ vài ngày trước cuộc chiếm đóng, Baynazar bắt đầu nghe ngóng được những tin đồn về tình trạng hôi của. Do đó, sau khi cầu nguyện buổi tối, anh đã nói với vợ là chị Najibah rằng anh muốn đi kiểm tra cửa hàng. Chị kéo tay áo anh và xin anh đừng đi. Najibah cảm thấy lo lắng: Chiến sự ác liệt vẫn đang diễn ra trong thành phố, và khi đó trời đã gần tối.

“Đó là trách nhiệm của anh,” anh nói với chị. Anh trấn an chị rằng mình sẽ nhanh chóng trở về và hứa sẽ mang bánh mì từ tiệm bánh về. Nhưng khi anh tới khu chợ, các chiến binh Taliban kiểm soát khu vực đó đã đuổi Baynazar về và nói rằng tình hình quá nguy hiểm.

Không chùn bước, Baynazar quyết định dậy sớm vào sáng hôm sau, cầu nguyện, sau đó quay trở lại khu chợ. Rồi anh gặp Abdul Samad, cũng là một chowkidor và là một người bạn thân của anh.

Họ từng cùng nhau trải qua hàng trăm đêm yên tĩnh tại Kunduz, vừa cười nói vui vẻ vừa canh gác khu chợ. Và cũng giống như đêm hôm trước, các chiến binh Taliban tiếp tục đuổi cả hai người về.

Chỉ vài phút sau khi Baynazar và Samad quay gót trở về thì tiếng súng nổ ra. Samad quay đầu chạy và cúi người trốn sau một bờ tường. Anh tìm Baynazar và nhìn thấy bạn cách đó vài mét, vẫn đang đứng giữa phố, và nhìn bạn mình đổ gục xuống đường.

Chiến sự nhanh chóng kết thúc, Samad nhanh chóng tới chỗ Baynazar. Anh đã bị trúng đạn ở đùi, và vết thương đang chảy máu rất nhiều. Với sự giúp đỡ của một số chiến binh Taliban, Samad đã đưa được Baynazar lên một chiếc xe Zarang – xe máy ba bánh với một tấm ván phẳng nhỏ phía sau – đang đi ngang qua, và người lái xe nhanh chóng đưa hai người đàn ông tới bệnh viện gần nhất của tổ chức Bác sỹ không biên giới.

Khi Najibah cùng với Khalid tới được trung tâm vào khoảng trưa thì Baynazar đã phẫu thuật xong. (Baynazar đã liên lạc được với Samiullah, con trai cả của hai vợ chồng, một cậu thanh niên 19 tuổi cao gầy, để báo tin cho vợ). Anh ngồi trên giường bệnh, với một chiếc khung kim loại và vít cố định ngoài phần xương đã bị viên đạn làm gãy. Chị đã ở bên anh suốt buổi chiều hôm đó; vừa khóc, chị vừa mắng anh vì đã tới khu chợ.

“Đừng khóc,” Baynazar an ủi vợ. “Chỉ là xui xẻo thôi.” Các bác sỹ đã xếp lịch ca phẫu thuật tiếp theo của anh vào ngày mai, và chẳng mấy chốc anh sẽ có thể về nhà.

Trước khi Najibah rời khỏi trung tâm vào ngày đầu tiên, Baynazar còn nâng cẳng chân lên khỏi giường. “Thấy không?” anh nói với vợ. “Nó vẫn hoạt động mà!”

Đêm tiếp theo – thứ sáu ngày 2/10 – tương đối yên ắng. Có thể nghe thấy tiếng súng nổ, nhưng âm thanh có vẻ xa xôi.

Đêm hôm đó cũng yên bình như bao đêm khác ở Trung tâm điều trị Chấn thương Kunduz kể từ khi chiến sự nổ ra. Ban ngày mọi việc thật bận rộn: Nhân viên trung tâm đã làm việc theo các ca kéo dài từ 18-20 giờ, và với danh sách dài những bệnh nhân cần được phẫu thuật từ những ngày trước đó, ê kíp mổ đã thực hiện hơn 30 ca phẫu thuật, và 10 ca nữa được xếp lịch thực hiện trước khi bình minh lên. Nhưng đến tối thứ sau, số lượng bệnh nhân mới nhập viện cấp cứu cuối cùng cũng đã giảm.

Vào khoảng ngay trước 2 giờ sáng, Sergio Borrego Ginebra, một bác sỹ gây mê 46 tuổi người Cuba đến Kunduz lần thứ ba để thực hiện nhiệm vụ tại đây, đã là người đi cùng Baynazar khi anh được chuyển từ phòng bệnh tới khu tiền sảnh để tới phòng mổ. Tại đó, họ đã gặp Kamarul Haqq, bác sỹ phẫu thuật xương đã thực hiện ca phẫu thuật ngày hôm trước và là bác sỹ trực vào sáng sớm ngày thứ Bảy đó.

“Chúng tôi sẽ khâu miệng vết thương của anh,” Haqq giải thích cho Baynazar; thái độ bình tĩnh và thoải mái của anh khiến bác sỹ ấn tượng. Hai người mỉm cười với nhau khi Baynazar được đưa vào phòng mổ để các y tá có thể chuẩn bị cho anh.

Vào khoảng 2 giờ 5 phút sáng, Borrego Ginebra bước vào phòng mổ để hỗ trợ gây mê vùng xương sống. Giờ đây khi thân dưới của Baynazar đã tê liệt, Borrego Ginebra bắt đầu tiêm cho anh thuốc gây mê. Quy trình phẫu thuật khá đơn giản: Khoảng hơn một chục mũi khâu đóng kín miệng vết thương, hiện vẫn đang hở ra sau ca phẫu thuật trước. Lần này sẽ chỉ kéo dài chưa đến 30 phút.

Borrego Ginebra lui về sau để theo dõi Baynazar. Mohammad Safi Sadiqi, bác sỹ phẫu thuật 37 tuổi người Afghanistan tiến hành ca mổ ngày hôm đó đang cúi người xuống để khâu nốt những mũi cuối cùng trên đùi Baynazar thì có một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả căn phòng.

Một phần trần nhà bắt đầu sụp xuống – một tấm trần rơi thẳng xuống Baynazar. Nhưng với cổ tay vẫn đang bị buộc vào cánh tay di chuyển được của bàn mổ, hoàn toàn bất tỉnh và bất động, các nhân viên y tế hầu như không thể làm gì để giúp đỡ anh.

Kính và gạch đá bay trong không khí, và Borrego Ginebra lo rằng thùng oxy trong phòng sẽ nổ tung nếu bị đánh trúng. Tòa nhà đã mất điện. Trời tối đến mức Safi, Borrego Ginebra và các y tá thậm chí còn không nhìn thấy đường chạy.

Vì ca mổ không cần tới sự hỗ trợ của mình nên Haqq không hề bước vào phòng mổ khi phẫu thuật cho Baynazar; khi đó anh đang lau dọn nhà vệ sinh với một số y tá trong khoảng thời gian giữa các ca mổ.

Tiếng nổ lớn đến mức nó khiến anh bị sốc. Anh rơi vào trạng thái bất động và không phản ứng được. Chỉ trong vài phút, anh lại nghe thấy một tiếng nổ nữa, có điều gần và lớn hơn.

Haqq và các y tá bắt đầu chạy về đầu kia hành lang tới cửa vào khu phòng mổ mà không biết rằng nơi đó còn gần vị trí bị tấn công ở tòa nhà chính của bệnh viện hơn.

Một vụ nổ nữa khiến những mảng trần nhà và mái nhà đổ sập xuống sàn, và họ tiếp tục chạy trong bóng tối về hướng ngược lại, đi qua khu mổ và tới phòng khử trùng ở cuối dãy phòng mổ.

Khi đó rất tối; kính và gạch đá ở khắp mọi nơi. Haqq trốn trong một góc trong khi những người khác chui xuống phía dưới những chiếc bồn rửa bằng bêtông hoặc nằm trên sàn.

Quay trở lại cửa vào của phòng phẫu thuật thứ hai, Safi đã dẫn đường và ra hiệu cho hai y tá và Borrego Ginebra đi theo anh trốn vào phòng khử trùng.

Giờ đây trong phòng có khoảng 10-12 người, trong đó có một bệnh nhân.

Khi đạn xối xả bắn xuống và những vụ nổ chói tai tiếp tục diễn ra, Borrego Ginebra đã cầu nguyện rằng nếu ông phải chết thì hãy để cho cái chết của ông được nhanh chóng và không đau đớn. Ông cầu nguyện rằng một quả bom sẽ rơi xuống đầu ông và giết chết ông chỉ sau một khoảnh khắc.

Vụ đánh bom ngày một dữ dội hơn. Haqq cảm thấy những vụ nổ đang ngày càng tới gần. Ngay cả khi gạch đá tiếp tục đổ xuống đầu họ, anh vẫn bình tĩnh và cầu nguyện rằng mọi việc sẽ qua đi nhanh chóng.

Safi lấy điện thoại ra và gọi cho em trai và vợ của mình, khi đó đang ở nhà tại tỉnh Takhar lân cận. Anh nói với họ rằng một máy bay đang đánh bom vào bệnh viện. “Hãy gọi cho ai đó để dừng cuộc ném bom lại!” anh nói trong tiếng ồn của cuộc hỗn loạn. Và sau đó, “Xin hãy tha thứ cho anh.”

Sau khoảng 5 đến 6 phút, cuộc tấn công tạm dừng và mọi thứ đều yên ắng. Nhưng không có ai trong phòng dám cử động. Khi khói và những làn hơi độc bắt đầu bốc lên trong không khí, họ đã nghe thấy giọng của những người đồng nghiệp ở bên ngoài đang thét gọi họ chạy khỏi tòa nhà đang bốc cháy.

Tất cả mọi người ngoại trừ Safi chạy tới tầng hầm, nơi họ tìm thấy hơn 100 nhân viên, bệnh nhân và người thân ngủ tại bệnh viện khi cuộc tấn công bắt đầu. Vẫn sống sót cho tới giờ phút đó, Safi quyết định sẽ ở lại phòng khử trùng một mình.

Cuộc tấn công chưa kết thúc; nó còn tiếp tục và dừng lại vài lần nữa trong khoảng 1 giờ, trong thời gian đó phần lớn những người sống sót sau đợt tấn công đầu tiên đều đã trú ẩn trong tầng hầm, tâm trạng lo sợ. Thật thần kỳ, 10-12 người chạy khỏi khu mổ đều sống sót. Nhưng Baynazar vẫn đang nằm trên bàn mổ trong phòng phẫu thuật.

Sáng sớm 3/10, Najibah tiếp tục lên đường, háo hức muốn thăm chồng sau ca phẫu thuật.

Khi chị đi qua Nhà thờ Kheyaban cách trung tâm điều trị khoảng 1 dặm, một người phụ nữ gọi chị lại. “Chị đi đâu vậy người chị em?” người phụ nữ hỏi.

Najibah nói với chị ấy rằng chị đang tới thăm chồng ở trung tâm điều trị. “Nhưng chẳng có ai trong bệnh viện cả,” người phụ nữ đáp lại. Chị nói với Najibah rằng đêm qua đã có một cuộc tấn công và bệnh viện đã bị phá hủy. Chị cũng nói với Najibah rằng chiến sự vẫn đang tiếp diễn.

“Chị nên quay về nhà thì hơn,” người phụ nữ nói.

Quá choáng ngợp, Najibah ngồi sụp xuống bên một bức tường và khóc; trong làn nước mắt, chị bắt đầu cầu nguyện. Baynazar vẫn còn sống hay đã chết? Không biết phải làm gì, Najibah quay trở về nhà. Chiếc xe đạp của Baynazar vẫn dựng cạnh tường sau cổng nhà.

Tới 10 giờ sáng, có tin cho biết chiến sự đã dịu bớt, nên Najibah cùng con trai Khalid 6 tuổi trở lại bệnh viện. Trung tâm điều trị không một bóng người. Hai mẹ con đi vào tòa nhà chính của bệnh viện, núp người qua mái nhà đã đổ sập xuống, và bước trên những mảnh gạch đá cháy, hai mẹ con tìm tới phòng bệnh nơi chị mới chỉ tới thăm chồng ngày hôm trước – nhưng trong phòng không có ai.

Sau khi đi lang thang trên các con phố trong suốt vài giờ và than khóc chồng, Najibah đã về tới nhà để gọi điện cho Samiullah. Chị nói với con rằng bệnh viện đã bị tấn công. Vừa khóc, chị vừa nói vào điện thoại, “Mẹ không tìm thấy cha con.”

Năm tuần sau khi vụ việc xảy ra, khi đang ngồi trên những tấm toshak được dùng làm đệm ngủ vào ban đêm trong căn nhà trọ chật hẹp của họ ở Kunduz, Najibah nhớ lại quá trình chị đi tìm chồng. Trong khi chị nói, Samiullah, cậu thanh niên thích mặc quần bò và áo nỉ hơn trang phục Afghanistan truyền thống, rụt rè rót đầy những cốc trà xanh.

“Vào thứ Hai (4/10) chúng tôi tìm đến quận Chardara, một thành trì của Taliban bên ngoài thành phố Kunduz về phía tây,” Najibah kể lại. “Có một phòng khám khác của tổ chức Bác sỹ không biên giới … nhưng chồng tôi không có ở đó.”

Sau đó, với một chiếc xe thuê, chị, Samiullah và Khalid đã lái xe 2 giờ đồng hồ để tìm kiếm tại những khu vực tranh chấp trên đường tới bệnh viện công ở thủ phủ tỉnh Baghlan, Pul-e-Khumri. Vẫn không có dấu hiệu gì của Baynazar. Tuy nhiên, Najibah đã nhận ra một bệnh nhân trong trung tâm ở Kunduz. “Chồng tôi ở đâu rồi?” chị hỏi. Nhưng tất cả những gì bệnh nhân này có thể nói cho chị chỉ là một số người sống sót đã được đưa tới Mazar-e-Sharif, còn một số người khác được đưa tới các tỉnh Kabul hoặc Takhar.

Sau khi quay trở lại Kunduz, Najibah, Samiullah và Khalid tiếp tục tìm kiếm bằng chiếc xe thuê: trước hết là hai giờ lái xe về phía đông, qua đại lộ Khanabad tới Takhar, sau đó quay trở về qua Kunduz tới Mazar-e-Sharif, cách 100 dặm và vài giờ lái xe về phía tây.

Najibah và hai con trai đã trở về Kunduz vào thứ Tư và dành hai ngày tiếp theo cầu xin các quan chức quân đội cho phép họ vào bệnh viện nhỏ mà quân đội đã thành lập tại nơi đóng quân của lữ đoàn thứ 2 của quân đội Afghanistan ở ngoại ô thành phố trong trận chiến giành lại Kunduz.

Vào thứ Bảy, 10/10, họ cuối cùng cũng đã được đưa vào bệnh viện, qua các phòng bệnh để tìm kiếm. Samiullah thậm chí còn xem sổ ghi chép nhập viện từ tuần trước, nhưng một lần nữa nỗ lực tìm kiếm vẫn không có hiệu quả.

Đêm hôm đó Samiullah và Najibah quyết định sẽ tới Kabul vào ngày hôm sau. Có vô số bệnh viện ở thủ đô, và nếu Baynazar vẫn còn sống, họ sẽ tìm thấy anh tại một trong số đó.

Sáng sớm 11/10, 8 ngày sau khi ngọn lửa bao bọc lấy Trung tâm điều trị Chấn thương đã không còn gì để cháy tiếp, Haji Abdul Basir – một thợ làm bánh sống cạnh trung tâm – đã được các nhân viên Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đề nghị hỗ trợ nhận dạng và vận chuyển bất kỳ nạn nhân nào còn lại trong bệnh viện tới nơi an táng.

Vô số thi thể đã được người thân của họ đưa đi kể từ sau cuộc tấn công, nhưng người dân địa phương cho rằng trong bệnh viện vẫn còn các nạn nhân; mùi xác chết bắt đầu tỏa ra đường phố.

Mặc dù họ không phải là bạn thân, và dù với vết thương khủng khiếp trên đầu nạn nhân, song Haji Basir vẫn ngay lập tức nhận ra Baynazar – một khách hàng quen thuộc tại tiệm bánh của ông.

Còn có 7 người khác, hầu hết đều bỏng nặng đến mức không nhận diện được. Những thi thể được các nhân viên ICRC đặt vào các quan tài và chuyển tới một nghĩa trang trên đồi ở ngoại ô thành phố.

Haji Basir tìm thấy số điện thoại của Samiullah và gọi cho anh. “Đừng tìm kiếm nữa,” ông nói với Samiullah. “Cha cậu được chôn cất trên đồi.”

Một sáng sớm tháng 11 nọ, trước khi lũ trẻ tới trường, tôi đã cùng với gia đình Baynazar tới thăm mộ anh.

Khói từ những lò sưởi củi trong thành phố cháy qua đêm vẫn chưa tan hết, nên sắc xanh lạnh lẽo của sáng sớm vẫn còn vương lại ngay cả khi mặt trời đã mọc. Najibah và các con chị leo lên ghế sau của một chiếc Toyota Corolla tôi đã thuê cùng lái xe ở Kabul. Tôi ngồi trên lốp dự phòng ở phía sau. Khi chúng tôi đi, Khalid quay mặt về phía sau, nghiêng người trên ghế như thể để tôi có bạn đồng hành.

Đồi Dowra, cách trung tâm điều trị khoảng 2 dặm về phía nam, là nơi đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ tại Kunduz trong vòng 7 tháng gần đây. Vào tháng Năm, 600 gia đình từ các quận lân cận đã dựng nên những chiếc lều tạm tại đây sau khi lực lượng Taliban biến những ngôi làng của họ thành chiến trận.

Vào những ngày cuối tháng Chín, hàng ngàn người thuộc lực lượng an ninh chính phủ cũng như dân thường đã rời bỏ thành phố theo con đường dẫn tới đường bay khi Taliban chiếm được Kunduz. Những ngôi làng quanh đồi Dowra đã chứng kiến giao tranh giành giật từng ngôi nhà một khi lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan cố gắng giành lại quyền kiểm soát ngoại ô thành phố.

Giờ đây, trong số hàng chục nấm mộ giống nhau trên nền đất mới đào, câu chuyện của Baynazar cũng sẽ kết thúc ở đây. Samiullah nhẹ nhàng quỳ xuống và để cho nước mắt trào lên trong khóe mắt. Giờ đây gia đình anh sẽ phải dựa vào anh với tư cách lao động duy nhất trong nhà, và anh chia sẻ rằng gánh nặng trách nhiệm này khiến anh trăn trở nhiều.

Khalid yên lặng hơn bình thường. Trước đó, cậu bé kể với tôi rằng cậu đã nhìn thấy bệnh viện cháy rụi và bị tàn phá ra sao. “Nhưng cháu không sợ,” cậu bé nói. Giờ đây, cậu đứng yên lặng nhìn mẹ và các chị, đôi khi quay đi vì bị điều gì đó ở xa thu hút, hoặc không rõ phải cư xử thế nào trước những đau thương của người thân trong gia đình.

Zahra, trên người mặc bộ quần áo giống như hôm qua, một chiếc khăn đội đầu trắng cuốn quanh gương mặt ngây thơ của cô bé, rên rỉ bên mộ cha. Najibah ôm lấy con gái đang khóc.

“Cha ơi, chúng con đã rửa xe đạp cho cha rồi – xin cha hãy tỉnh lại – cha có thể trở về nhà rồi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục