Cầu Ghềnh thi công vượt tiến độ 20 ngày, chuẩn bị thông tàu Bắc-Nam

Dự án khôi phục cầu Ghềnh đã cơ bản đã hoàn thành, về đích trước tiến độ 20 ngày với sự nỗ lực, quyết tâm của ngành đường sắt và đơn vị thi công.
Cầu Ghềnh thi công vượt tiến độ 20 ngày, chuẩn bị thông tàu Bắc-Nam ảnh 1Cầu Ghềnh mới đã cơ bản hoàn thành và về đích trước tiến độ 20 ngày. (Ảnh: CIENCO 1 cung cấp)

Sau sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh cũ cắt đứt huyết mạch giao thông đường sắt Bắc-Nam và giao thông thủy tại sông Đồng Nai vào ngày 20/3, dự án khôi phục cầu Ghềnh đã cơ bản đã hoàn thành, về đích trước tiến độ 20 ngày với sự nỗ lực, quyết tâm của ngành đường sắt và đơn vị thi công.

Sau khi thực hiện việc nghiệm thu kỹ thuật, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ tổ chức chạy tàu bình thường qua khu gian cầu Ghềnh.

Vượt tiến độ 20 ngày

Theo lãnh đạo VNR, dự án khôi phục cầu Ghềnh gồm hai hạng mục là xây dựng công trình chính và các hạng mục công trình thi công đồng bộ.

Hạng mục công trình chính gồm xây mới toàn bộ cầu với sơ đồ nhịp 75+75+75 m, dầm dàn vòm thép giản đơn; nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray trên cầu lên khoảng 2,2m đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3 (tĩnh không thông thuyền là 7m, cao hơn 3m so với tĩnh không thông thuyền của cầu hiện hữu là 4m); cải tạo nâng đường hai đầu cầu và các hạng mục công trình thuộc phạm vi cầu và đường sông hai đầu như cầu chui Hiệp Hòa, đường ngang Bùi Hữu Nghĩa, hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt, điện, đường ống nước trên cầu...

Các hạng mục công trình thi công đồng bộ gồm sửa chữa, cải tạo mở rộng nhà ga, ke ga, kéo dài đường ga, đặt thêm đường ga tại các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom.

Về tiến độ, ban đầu, lãnh đạo VNR cho biết, công trình dự kiến hoàn thành vào ngày 15/7, tuy nhiên, với quyết tâm nối thông đường sắt Bắc-Nam trong thời gian sớm nhất, toàn ngành đường sắt đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

“Để đảm bảo công trình về đích đúng tiến tiến độ, Tổng công ty đã thực hiện phương án vừa thiết kế, vừa thi công đồng thời chỉ đạo nhà thầu thi công liên tục 24/24 giờ. Hàng trăm công nhân đã thay nhau làm việc 3 ca liên tục, không kể ngày đêm trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, tiến độ thi công được bám sát chi tiết, từng ngày. Nhiều hạng mục công trình thi công vượt tiến độ đề ra,” lãnh đạo VNR thông tin thêm.

Bên cạnh đó, VNR cũng thực hiện việc kiểm soát chặt chất lượng toàn bộ công trình, từ khâu sản xuất các dầm tại nhà máy đến việc giám sát tại công trường, chất lượng thi công bê tông cốt thép cọc, trụ, mố cầu… tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Sau gần ba tháng thi công, ngày hôm nay (24/6), VNR hoàn thành việc lao dầm và hiện đang tiếp tục hoàn thiện kiến trúc tầng trên. Sau khi thực hiện việc nghiệm thu kỹ thuật, Tổng công ty sẽ tổ chức chạy tàu bình thường qua khu gian cầu Ghềnh.

Thi công trong điều kiện khắc nghiệt

Là đơn vị trực tiếp thi công dự án cầu Ghềnh, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) đã lập tức huy động vật tư thiết bị đặc chủng và lực lao động tinh nhuệ nhất kỹ sư và công nhân trình độ cao nhất ngay có mặt tại công trường vào ngày 25/3 và triển khai thi công hạng mục trục vớt, tháo dỡ thanh thải cầu Ghềnh cũ ra khỏi công trường vượt tiến độ 8 ngày góp phần giải phóng ách tắc giao thông thủy tại sông Đồng Nai làm giảm thiệt hại cho ngành giao thông.

Bên cạnh đó, CIENCO 1 được giao thi công hạng mục quan trọng nhất của dự án đó là thi công toàn bộ trụ T1, T2 và lao lắp 3 nhịp dàn thép. Cầu Ghềnh mới gồm 3 nhịp dầm thép có chiều dài 75m/1 nhịp, 2 mố, 2 trụ dưới sông, móng cọc khoan nhồi D1,5m thi công trong thời gian ba tháng (từ 01/4 đến 30/6).

“Cầu Ghềnh mới thi công trong điều kiện tự nhiên phức tạp nắng gắt, mưa nhiều và thất thường, địa chất đáy lòng sông toàn bộ là đá cứng, mực nước thi công sâu (khoảng 16m nước), nước sông chảy xiết, dàn thép rất nặng gần 300 tấn nên khó khăn khi lắp đặt trên sông, trong khi đó tiến độ thi công thì rất ngắn. Tuy nhiên, toàn thể 200 cán bộ công nhân viên Tổng công ty làm việc ngày đêm để đưa ra các phương án thi công hiệu quả để đáp ứng được tiến độ yêu cầu,” ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng giám đốc CIENCO 1 chỉ huy trực tiếp thi công dự án này cho hay.

Tiết lộ thêm về các giải pháp kỹ thuật sáng tạo trong quá trình thi công cầu Ghềnh như sử dụng cầu phao làm cầu tạm cấp bê tông đồng thời làm mặt bằng thi công trụ T2; thi công hệ sàn đạo phục vụ thi công cọc khoan nhồi trên sông; thiết kế hệ trụ tạm chống vào bệ trụ phục vụ việc nâng dàn thép đặt vào vị trí, ông Thắng thừa nhận, công tác lao dầm là hạng mục thi công khó khăn nhất.

Cầu Ghềnh thi công vượt tiến độ 20 ngày, chuẩn bị thông tàu Bắc-Nam ảnh 2Công tác lao dầm của cầu Ghềnh là hạng mục thi công khó khăn nhất. (Ảnh: CIENCO 1 cung cấp)

Theo phương án lao dầm ban đầu chủ đầu tư đưa ra dùng hệ 2 sà lan gông vào nhau và chở cao hệ dàn thép 300 tấn, sau đó lợi dụng con nước để chở ra gác vào vị trí, tuy nhiên phương án thi công này không được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý vì không đảm bảo an toàn, gặp nhiều rủi ro trong quá trình thi công.

“Dựa vào thành công từ dự án cầu Đông Trù (Hà Nội), CIENCO1 lập phương án lao dàn thép bằng cách dùng một sà lan 1.890 tấn có kích thước vừa đủ so với lòng sông tại vị trí lắp dàn chở dầm từ cầu cảng ra gác lên hệ trụ tạm, sau đó dùng 4 kích đa hành trình nhấc giàn thép đặt vào vị trí. Phương án này rất đảm bảo an toàn và vẫn đáp ứng được tiến độ thi công của dự án,” ông Thắng hồ hởi nói.

Ngoài ra, CIENCO1 đã rất chủ động phối hợp cùng chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế để hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công kịp thời đáp ứng tiến độ thi công hiện trường.

Sau khi thông cầu Ghềnh, VNR tổ chức chạy tàu khách và tàu hàng qua khu đoạn cầu Ghềnh.

Cụ thể, chạy 10 đôi tàu khách, trong đó có 05 đôi tàu khách Bắc-Nam (Hà Nội-Sài Gòn và ngược lại gồm SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, TN1/2, ); 01 đôi tàu Sài Gòn-Vinh-Sài Gòn (SE21/22), 1 đôi tàu Sài Gòn-Quảng Ngãi-Sài Gòn (SE25/26), 02 đôi tàu Sài Gòn-Nha Trang-Sài Gòn (SNT1/2, SNT5/6) và 1 đôi tàu Sài Gòn-Phan Thiết-Sài Gòn (SPT1/2), 05 đôi tàu hàng Giáp Bát-Sóng thần, Yên Viên-Sóng Thần và ngược lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục