“Cầu nối” môi giới với sứ mệnh làm “sạch” thị trường bất động sản

Theo Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, hiện Hiệp hội đang dự thảo quy định bộ quy tắc môi giới bất động sản; sẽ cố gắng thông qua và công bố vào cuối năm.
“Cầu nối” môi giới với sứ mệnh làm “sạch” thị trường bất động sản ảnh 1Các căn hộ liền kề. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Yếu tố thông tin tác động rất nhiều đến thị trường bất động sảnnhưng, hiện nay, thị trường chủ yếu tiếp nhận thông tin theo kiểu “một chiều.”

Chủ đầu tư, đơn vị môi giới hay các sàn phân phối dự án là “nguồn” cung cấp thông tin và họ chủ động về việc này.

Trong khi đó, đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các khách hàng lại rất khó xác định được tính chân thực của thông tin, nhất là khi chưa có biện pháp giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Lực lượng môi giới bất động sản có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Vậy hoạt động này đóng vai trò ra sao trong việc đảm bảo tính minh bạch cho thị trường bất động sản, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đính: Để nhìn nhận một thị trường bất động sản đang trong trạng thái đóng băng hay sôi động, suy thoái hay phát triển, có một số dấu hiệu quan trọng, trong đó, hoạt động của những người môi giới được đánh giá là một chỉ báo nhanh nhạy nhất.

Với một thị trường bất động sản còn khá trẻ như Việt Nam, vai trò và tầm ảnh hưởng của lực lượng môi giới đang ngày càng thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng này cần phải được kiểm soát về chất lượng, nhất là khi số lượng đang gia tăng quá nhanh.

Phát triển hoạt động và đội ngũ những người hành nghề môi giới bất động sản một cách chuyên nghiệp, lành mạnh là một trong những yếu tố then chốt để minh bạch hóa thị trường, đảm bảo thị trường đi đúng hướng, phát triển ổn định.

Tại thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản đã thể hiện rõ ràng sự hồi phục và nghề môi giới đang có một chỗ đứng tốt. Hiện có hàng chục nghìn nhà môi giới bất động sản đang hoạt động, tập trung số đông tại các thị trường lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

[Việt Nam là thị trường nóng trong lĩnh vực bất động sản khu vực]

Có vị trí quan trọng như vậy nhưng hiện nguồn nhân lực trong lĩnh vực này lại chưa được đào tạo bài bản, chính quy. Khiếm khuyết lớn là hầu như chưa có trường hay khoa chuyên ngành của các trường đại học tổ chức đào tạo sinh viên ngành bất động sản.

Hiện cũng chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, chế tài đủ mạnh, để quản lý hoạt động của môi giới cũng như bảo vệ lợi ích của người hành nghề. Chính điều này khiến cho người làm nghề môi giới bất động sản dễ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt, chạy theo cách làm ăn chụp giật, không có mục tiêu và định hướng phát triển lâu dài.

​- Trên thực tế, không phải ai cũng có đủ am hiểu về bất động sản, thủ tục pháp lý và có điều kiện gặp gỡ chủ đầu tư để tìm hiểu về dự án mình quan tâm. Bởi vậy, nếu môi giới cố tình làm sai lệch, che giấu thông tin hoặc thậm chí chỉ là vô tình đưa đến những thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của khách hàng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Văn Đính: Hiện nay, một người được coi là nhân viên môi giới bất động sản chuyên nghiệp, trước hết phải được đào tạo chuyên nghiệp về môi giới bất động sản. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng với quy định người muốn hành nghề môi giới bất động sản phải thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Nhưng nếu chỉ dựa vào Thông tư số 11 chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ làm cho đội ngũ môi giới trở nên chuyên nghiệp bởi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cũng như bằng lái xe. Có bằng không đồng nghĩa với việc lái tốt và tuân thủ giao thông. Bởi vậy, vẫn cần chế tài để xử phạt đối với trường hợp vi phạm và răn đe để hạn chế vi phạm.

Để nghề môi giới bất động sản phát triển một cách bền vững, các nhân viên môi giới thực sự là người đồng hành của cả chủ đầu tư và khách mua nhà, cần một quy chuẩn chặt chẽ hơn với nghề này và có chế tài, tạo nên những ràng buộc về pháp lý đối với chủ đầu tư, sàn giao dịch, người môi giới và khách hàng.

Cũng như nhiều nghề khác trong xã hội, bên cạnh những người hành nghề uy tín, có đạo đức thì cũng có người hành nghề chỉ với mưu cầu lợi ích cá nhân, bất chấp quyền lợi của khách hàng. Tại không ít dự án, môi giới đã kết hợp với nhau để gây nhiễu, tạo sự khan hiếm giả tạo, đánh vào tâm lý đám đông khiến cho khách hàng không phân định được giá trị thật của sản phẩm, năng lực thực sự của chủ đầu tư.

Môi giới là một phần tạo lập nên thị trường, có mặt tích cực là cầu nối nhưng bên cạnh đó nếu không quản lý được sẽ lại ảnh hưởng xấu và nhiễu loạn thông tin.


- Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, bất động sản đang phát triển tiến gần với xu hướng hội nhập quốc tế nhưng lực lượng môi giới thì lại chậm chân khi mới chỉ gia tăng số lượng chạy các dự án. Còn về tính chuyên nghiệp chưa có chuyển biến đáng kể. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?


Ông Nguyễn Văn Đính
: Có thể nói nâng cao chất lượng môi giới bất động sản cả về kiến thức, trình độ và đạo đức nghề nghiệp là việc làm cấp thiết. Nếu chỉ đầu tư vào hàng hóa-sản phẩm cung cấp ra thị trường mà không tạo được một lộ trình thuận lợi, minh bạch để đưa hàng hóa-sản phẩm đến tay người có nhu cầu thì thị trường sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn - đó là mất niềm tin.

Rõ ràng đã đến lúc các thành viên thị trường và cơ quan quản lý cần nhìn thẳng vào những yếu kém, những kẽ hở trong quản lý để có thể đưa ra những phương thức, chế tài, nhằm tiến đến mục tiêu chuyên nghiệp hóa lực lượng môi giới, góp phần vào sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, bền vững.

Bên cạnh đó, cũng cần có quy định cụ thể về cung cấp thông tin đối với chính quyền, cơ quan quản lý và đặc biệt là các chủ đầu tư để môi giới bất động sản có đủ cơ sở tư vấn cho khách hàng một cách tốt nhất, chính xác nhất.

Các nhà môi giới bất động sản Việt Nam hiện đang hoạt động trong môi trường khá thấp, thiếu thốn nhiều sự hỗ trợ; thua kém so với các nhà môi giới bất động sản hoạt động trên thế giới và đặc biệt là trong khu vực ASEAN của mình.

Hiện quản lý của Nhà nước đối với nghề môi giới bất động sản cũng còn khá lỏng lẻo. Theo quy định, phải có chứng chỉ hành nghề mới được hoạt động nhưng hiện nay việc này chưa được kiểm soát chặt; chưa có chế tài xử lý, dẫn đến những người nghiêm túc thực hiện và thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì không cạnh tranh được với những người làm sai với quy định của pháp luật.

Mặt khác, các thông tin về thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa được rõ ràng, chưa được minh bạch về những quy tắc hay quy định về đạo đức hành nghề hoặc thiếu cụ thể... dẫn đến sự cạnh tranh méo mó, không lành mạnh giữa các nhà môi giới với nhau.

​- Theo ông cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp nào để vừa tạo điều kiện cho nghề môi giới bất động sản phát triển, vừa có những chế tài phù hợp để quản lý những người hành nghề môi giới bất động sản để khách hàng yên tâm khi chọn “cầu nối” giao dịch?


Ông Nguyễn Văn Đính
: Hiện Nghị định 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành. Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện và cần chú ý đến một số vấn đề.

Thứ nhất, tất cả nguồn thông tin từ việc phát triển dự án, nguồn cung sản phẩm cho đến nguồn cầu và giao dịch thực tế trên thị trường được báo cáo cập nhật đầy đủ theo một hệ thống sẽ tạo ra được thông tin đầy đủ, chính xác; phục vụ cho việc quản lý Nhà nước; nghiên cứu phân tích để đánh giá đúng thực trạng, xu thế, đột biến và những phát sinh có thể xảy ra trong thị trường.

Quản lý dữ liệu thông tin bất động sản phải được phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ từ quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cho đến những thành viên tham gia trên thị trường (người sản xuất, cung ứng sản phẩm, người môi giới) và hệ thống cung ứng thị trường mới hiệu quả

Thị trường bất động sản phát triển thì đạo đức của người môi giới càng được nhắc đến nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh phức tạp như hiện nay.

Thực trạng này khiến cả cơ quan quản lý cùng các tổ chức xã hội nghề nghiệp và những người hành nghề chân chính phải đau đầu bởi nó khiến thị trường phát triển không tròn chĩnh, méo mó.

Do đó, cần có giải pháp kiểm soát và khắc phục. Theo đó, quản lý Nhà nước cần phải mạnh hơn, chế tài phải rõ ràng và đủ sức nặng để răn đe những hành vi không đúng với các quy định. Thêm vào đó, quy định về đạo đức, quy tắc hành nghề cũng phải được công bố, quy định rõ ràng.

Hiện nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đang dự thảo quy định bộ quy tắc môi giới bất động sản. Chúng tôi đã công bố lên web của VNREA và lấy ý kiến đóng góp.

Từ giờ đến cuối năm, VNREA sẽ thông qua và công bố bộ quy tắc ứng xử đạo đức hành nghề môi giới bất động sản; đồng thời, vận động tuyên truyền các nhà môi giới, hội viên của mình tuân thủ những quy định này.


Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục