Cầu Phú Định - kết nối hạ tầng đô thị khu Nam TP.HCM

Cầu Phú Định là hạng mục quan trọng của tuyến vành đai 2 để nối liền các khu đô thị phía Nam và Tây TP.HCM, nối trực tiếp vào tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương.
Cầu Phú Định - kết nối hạ tầng đô thị khu Nam TP.HCM ảnh 1Công trình cầu Phú Mỹ đã mở cánh cửa giao thông cho khu Nam Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Khôi/Vietnam+)

Nếu không có gì thay đổi, cầu Phú Định sẽ được khởi công vào giữa năm 2015. Đây là tin vui với người dân khu vực phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh thuộc quận 6, quận 8 sau nhiều năm mong chờ mòn mỏi trong việc kết nối hạ tầng giữa các đô thị với nhau.

Cầu Phú Định là hạng mục quan trọng của tuyến vành đai 2 để nối liền các khu đô thị phía Nam và Tây thành phố, thông qua đường Hồ Học Lãm ra Đại lộ Võ Văn Kiệt và nối trực tiếp vào tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương để lan tỏa đi các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ở chiều ngược lại, dân cư từ phía Tây Sài Gòn có thể di chuyển một cách nhanh chóng sang khu Đông (quận 2, 9, Thủ Đức), bởi công trình này khép kín vào Đại lộ Nguyễn Văn Linh (qua cầu Phú Mỹ).

Dựa trên kế hoạch triển khai các công trình giao thông trọng điểm năm 2014, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện các bước thủ tục để chuẩn bị cho cây cầu này đang được tiến hành khẩn trương vì đây là một hạng mục quan trọng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liệt vào hạng mục ưu tiên để sớm khép kín hạ tầng nối liền các khu đô thị phía Nam và Tây thành phố.

Phát triển khu Nam Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các quận huyện 6, 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh thành một đô thị vệ tinh đang được Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể bằng việc đưa vào sử dụng các tuyến đường giao thông huyết mạch Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ kết nối với hai tuyến đường cao tốc ở hai đầu Nam-Bắc.

Hạ tầng giao thông dần hoàn thiện cùng với tăng trưởng kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực đã khiến cho khu Nam Thành phố Hồ Chí Minh đang là “điểm sáng” thu hút các nhà đầu tư địa ốc quay trở lại.

Các chủ đầu tư dự án cho rằng, hạ tầng giao thông luôn gắn chặt với các dự án bất động sản. Giao thông hoàn thiện thì bất động sản cũng phát triển theo như một xu hướng tất yếu.

Trong quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành “thành phố mở,” nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, công trình đầu mối giao thông liên vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, những tuyến cao tốc, đường vành đai và hệ thống đường dân sinh đang xây dựng sẽ tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn và thuận tiện cho người dân đi lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục