“Cha cõng con”: Thắng trên thế giới, thua trên sân nhà

“Người cha trong phim đã cõng con đi ngược với thiên nhiên, xã hội và số phận một cách bản năng. Có lẽ, tôi cũng đã làm thế với ‘Cha cõng con’ - đi ngược lại với tất cả định kiến, xu hướng.”
“Cha cõng con”: Thắng trên thế giới, thua trên sân nhà ảnh 1Một cảnh trong bộ phim "Cha cõng con." (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Liên quan đến việc trả lại bằng khen đối với bộ phim “Cha cõng con” (hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc) tại Lễ trao giải thưởng Cánh Diều 2016 (diễn ra tối 9/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh), đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: “Tôi cho rằng cách thể hiện khác lạ của ‘Cha cõng con’ chính là nguyên nhân khiến Ban giám khảo chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ. Đó là nguyên nhân khiến tôi quyết định trả lại Bằng khen cho ban tổ chức.”

Thua trên sân nhà

Tại giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, bộ phim này được đề cử ở ba hạng mục: Diễn viên nam chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Phim điện ảnh xuất sắc. Tuy nhiên, “Cha cõng con” chỉ nhận được bằng khen ở hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, “Cha cõng con” chính thức hoàn thành vào tháng 11/2016, sau 10 năm ấp ủ, gần ba tháng quay phim và hơn một năm xử lý hậu kỳ với kinh phí lên tới gần 18 tỷ đồng.

[Cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam kỳ ảo trong trailer "Cha cõng con"]

Bộ phim có thời lượng 90 phút, là câu chuyện đẹp về tình phụ tử với bối cảnh chính ở Hà Giang. Phần lớn các diễn viên trong phim là diễn viên nghiệp dư, ngoại trừ vai người ông ngoại sẵn sàng ăn trộm gà để nấu cháo cho đứa cháu bị bệnh ung thư (nghệ sỹ ưu tú Trần Hạnh) và vai người cha (diễn viên Ngô Thế Quân - nam diễn viên chính của phim “Thời xa vắng”).

“Cha cõng con”: Thắng trên thế giới, thua trên sân nhà ảnh 2"Cha cõng con" chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 5/4. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Trước khi đến với giải thưởng Cánh Diều 2016, tác phẩm điện ảnh này đã “chu du” tới nhiều liên hoan phim quốc tế, được chọn trình chiếu tranh giải chính thức (điển hình như giải Phim dài xuất sắc tại Liên hoan Canadian Diversity Film Festival, giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Barcelona Planet…).

Không chỉ có vậy, thời gian tới, “Cha cõng con” sẽ còn tiếp tục đến với nhiều liên hoan phim lớn khác trên thế giới như: Liên hoan phim Quốc tế Houston lần thứ 50 (một liên hoan phim độc lập lâu đời trên thế giới với 4.500 bộ phim tham dự đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, diễn ra từ ngày 21-30/4 tại bang Texas, Mỹ), Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15 (diễn ra từ ngày 13-17/4 tại thành phố Boston, Mỹ với hơn 3.200 bộ phim tham dự)…

Giành được nhiều giải thưởng quốc tế, tuy nhiên, “Cha cõng con” lại thua trên… sân nhà. Không chỉ đến “Cha cõng con,” nhiều tác phẩm trước đó của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng không nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn trong nước, trong khi lại tạo được tiếng vang ở nhiều nước khác trên thế giới.

“Tôi tự nhận mình là người vô duyên với Cánh Diều. Năm 2004, tôi tham dự ở hạng mục phim ngắn với ‘Hạnh phúc đỏ.’ Phim chỉ được giải khuyến khích. Sau đó, phim được chọn chiếu tại một liên hoan phim lớn của Pháp. Đến năm 2007, tôi tham dự Cánh Diều ở hạng mục phim ngắn với ‘Chuyện ông Mờ’ và cũng chỉ nhận được bằng khen của ban giám khảo. Thế nhưng, sau đó, bộ phim này được giải Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29,” đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ.

“Cha cõng con”: Thắng trên thế giới, thua trên sân nhà ảnh 3Đạo diễn Lương Đình Dũng với các diễn viên nhí trong phim.(Ảnh đoàn làm phim cung cấp)

Trượt vì… cũ!

Trước sự phản ứng của đạo diễn Lương Đình Dũng, ông Trần Luân Kim - đại diện ban giám khảo giải thưởng Cánh Diều 2016 cho biết, “Cha cõng con” không nhận được giải Cánh Diều Vàng hay Cánh Diều Bạc bởi bộ phim chưa có nhiều đột phá, cách thể hiện chưa thực sự đổi mới.


[“Cha cõng con” - Nhiều hơn một câu chuyện cảm động về tình phụ tử]

Cụ thể, đại diện ban giám khảo cho rằng, cách kể chuyện trong “Cha cõng con” còn nhiều phần dàn trải, thiếu điểm nhấn hay những chi tiết để tạo ra kịch tính. Thay vào đó là những phân cảnh diễn tả cuộc sống sinh hoạt thường ngày với diễn biến chậm (điển hình như đoạn diễn tả hai cha con đi tránh lũ), không nhiều biến cố. Điều này sẽ làm cho “Cha cõng con” khó hấp dẫn người xem; thậm chí, có thể khiến người xem cảm thấy mệt mỏi.

Ở Việt Nam, hành trình ra rạp của “Cha cõng con” cũng không hề đơn giản. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ một thực tế: “Trong khi tôi nhận được đề nghị phát hành ‘Cha cõng con’ ở châu Âu và công chiếu bộ phim tại các liên hoan phim nước ngoài thì ở trong nước, nhiều đơn vị phát hành phim kết rằng rằng, phim của tôi không thể hút khách. Lý do bởi nó thiếu những yếu tố bạo lực, kinh dị, những hành động kịch tính, cảnh nóng… Bởi thế, họ đã quay lưng lại với ‘Cha cõng con’.”

Đến ngày 5/4 vừa qua, bộ phim mới chính thức được công chiếu trên toàn quốc. Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, sau ba ngày công chiếu, đơn vị phát hành cho biết, tại một số rạp, khi chiếu vào khung giờ tốt, lượng khán giả phủ kín từ 70-80% rạp. Đối lập với điều này, ở nhiều cụm rạp, tình trạng hoàn toàn trái ngược. Một bộ phim dành cho trẻ em, gia đình khi chiếu vào những khung giờ như 9 giờ sáng hay 23 giờ đêm, lượng khán giả tới rạp rất vắng.

“Khung giờ này làm khó cho cả khán giả và nhà sản xuất. ‘Cha cõng con’ không phải là cuộc chơi với điện ảnh đầu tiên của tôi nhưng chắc chắn là cuộc chơi xương máu nhất, một cuộc chơi không hối hận. Người cha trong phim đã cõng con đi ngược với thiên nhiên, ngược với xã hội và ngược với số phận một cách bản năng và không oán thán. Có lẽ tôi cũng đã làm thế với ‘Cha cõng con’ - đi ngược lại với tất cả định kiến, xu hướng và thị hiếu,” đạo diễn trải lòng.

Lương Đình Dũng bảo, anh hiểu cách đánh trúng thị hiếu, để một bộ phim có thể thu hút được khán giả đến rạp. Đạo diễn cho biết: “Khi làm phim ‘Cha cõng con,’ tôi cũng mong ước phim đến với nhiều người nhất có thể. Tuy nhiên, tấm vé không phải là đích đến cuối cùng. Nếu mục tiêu chỉ là doanh thu phòng vé thì tôi đã không liều lĩnh đánh cược gia sản của gia đình và những người ủng hộ tôi chỉ vì một cuộc chơi.”

“Cái đích mà chúng tôi muốn hướng tới là làm một điều gì đó có nghĩa, lay động trái tim, tình cảm của con người. Chúng tôi muốn đưa giọng nói Việt lên màn ảnh xứ người, khắc hoạ hình ảnh con người Việt Nam hồn hậu, thuần khiết, cảnh sắc Việt Nam đẹp bất tận,” đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục