"Chắc chắn giảm ùn tắc, tăng ATGT vào cuối 2012"

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định với giải pháp đồng bộ, chắc chắn đến cuối năm 2012 sẽ giảm ùn tắc và an toàn giao thông được cải thiện.

Theo ông Thăng, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng là đúng, không sai, phương tiện giao thông công cộng thiếu, chất lượng kém. Để hạn chế và giảm phương tiện cá nhân, ngành giao thông phải làm đồng bộ, không thể chờ cái này trước rồi mới làm cái kia và thưc hiện có lộ trình.
“Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng là đúng, không sai, phương tiện giao thông công cộng thiếu, chất lượng kém. Để hạn chế và giảm phương tiện cá nhân, ngành giao thông phải làm đồng bộ, không thể chờ cái này trước rồi mới làm cái kia và thưc hiện có lộ trình. Tất cả đều nhằm mục tiêu vừa nâng cao ý thức người dân, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa phát triển giao thông công cộng, vừa giảm phương tiện cá nhân, đảm bảo lợi ích, thuận lợi nhất cho số đông người dân,” Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với phóng viên Vietnam+ vào chiều ngày 28/9.

Hạn chế 3 phương tiện cá nhân


- Muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì phải làm từng bước trong khi cơ sở hạ tầng chưa thể theo kịp, hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm chưa thể đưa vào sử dụng, xe buýt chưa thể “gồng” nổi nhu cầu đi lại của hành khách. Xin ông cho biết, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã dựa vào cơ sở nào để hạn chế xe máy trong nội đô?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: 
Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia không cấm xe máy. Tất cả mọi chính sách xuất phát từ lợi ích của đông đảo người dân chứ không phải một bộ phận người dân.

Muốn giải quyết vấn đề đề ùn tắc giao thông thì phải giải quyết một cách đồng bộ trong đó vấn đề quan trọng nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ hiện đại hợp lý, có sự phối hợp giữa các loại hình phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không để giải quyết ùn tắc giao thông trong thành phố.

Hiện nay, dân số Thành phố Hồ Chí Minh là 5 triệu người, Hà Nội là 7 triệu người, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ chiếm có 6%. Theo quy hoạch, đất cho giao thông là 15% - 20%, bây giờ muốn đủ đất cho cả giao thông tĩnh và động thì hai thành phố này phải phá bớt nhà đi mới đáp ứng được nhu cầu.

Vì vậy, trước điều kiện đặt ra, các thành phố lớn cần phải có giải pháp đồng bộ để xử lý cả về lâu dài và trước mắt.

Cụ thể, trong Nghị quyết 88 của Chính phủ đã nêu ra nhiều giải pháp trong đó giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án hạn chế và giảm phương tiện giao thông cá nhân phải trình và duyệt vào quý IV năm 2012.

Trước thực trạng này Bộ sẽ xây dựng và trình sang Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào quý IV năm nay và sang sang quý I năm 2012 sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án hạn chế ba loại phương tiện bao gồm: ôtô cá nhân, xe máy và taxi.

- Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn vì sao ba loại phương tiện này lại bị hạn chế mà không phải là các loại hình vận tải khác?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc hạn chế là cả ba loại chứ không phải chỉ có xe máy và hạn chế dần chứ không phải cấm hẳn xe máy. Trước mắt, xe máy sẽ hạn chế ở những tuyến phố đông đúc. Và dần dần sẽ làm được khi mà từng tuyến phố, vành đai phát triển mạnh phương tiện vận tải công cộng của chúng ta phát triển.

Còn sự yếu kém về cơ sở hạ tầng là đúng, không sai, phương tiện giao thông công cộng thiếu, chất lượng kém. Nhưng phải làm đồng thời, không thể chờ cái này trước rồi mới làm cái kia. Tất cả vừa nâng cao ý thức người dân, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa phát triển giao thông công cộng, vừa giảm phương tiện cá nhân. Chúng ta phải làm đồng thời và có lộ trình. Nhưng cuối cùng vẫn đảm bảo lợi ích, thuận lợi nhất cho số đông người dân.

Đối với taxi thì Bộ sẽ làm việc với từng địa phương để rà soát quy hoạch phát triển vận tải taxi để từng bước hạn chế.

Ôtô thì sắp tới sẽ đề xuất tăng phí nhập khẩu lên, tăng phí sử dụng xe, tăng phí đỗ, chi phí để sử dụng ôtô là rất cao. Bởi 1 ô tô chiếm chỗ bằng 5,6 xe máy. Các quốc gia Singapo, Trung Quốc chỉ mua xe ôtô giá 10.000 USD nhưng phải bỏ ra gấp 5-6 lần để lưu hành, trong quá trình hoạt động cực kỳ nhiều loại tiền phí.

Đối với xe máy thì đây là một lực lượng đông đảo và những người đi xe máy chủ yếu là bình dân. Về lâu dài cũng phải hạn chế đến mức tối đa có thể nhưng trước mắt sẽ phải có sự đồng bộ. Khi cân đối được phương tiện vận tải công cộng đến đâu, hạ tầng giao thông đến đâu thì sẽ hạn chế đến đó.

- Phát triển phương tiện giao thông công cộng cần rất nhiều thời gian, nghĩa là còn rất lâu nữa thì phương tiện cá nhân mới bị hạn chế?

Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Về lâu dài rõ ràng là việc phương tiện vận tải vận chuyển với dung lượng lớn vẫn là quyết sách. Đó là tàu điện ngầm, đường sắt trên cao. Tuy nhiên đầu tư cái đó cũng rất lớn và mất thời gian cho nên chúng ta làm dần, chứ không thể là trong 2 đến 3 năm, chúng ta đầu tư được như thế ngay.

Không thể đầu tư làm đường sắt trên cao, tàu điện ngầm rồi mới tính đến cấm phương tiện cá nhân cho nên chúng ta phải làm có lộ trình, làm song song cùng nhau.

Xe buýt cũng chỉ phát triển đến một giai đoạn nhất định cũng sẽ gây tắc và không thể gánh nổi nhu cầu đi lại của người dân.

Việc hạn chế xe cá nhân sẽ chuẩn bị làm ngay trong thời gian tới, chỉ một số tuyến phố sẽ làm chứ không phải tất cả. Sẽ siết dần xe cộ và các tuyến phố đó phải có phương tiện vận tải công cộng di chuyển. Thậm chí trên thế giới còn có phố chỉ đi bộ.

Xây cầu vượt nhẹ, phân làn chống ùn tắc


- Trong khi chờ đợi các giải pháp đồng bộ thì hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sẽ phải sống chung với nạn ùn tắc giao thông. Vậy, Bộ có giải pháp gì để hạn chế và khắc phục?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Chúng ta phải làm quyết liệt cộng với ý thức người dân tốt thì chắc chắn sẽ giải quyết được ùn tắc tại nhiều tuyến phố. Tất cả Chính phủ, các ban ngành, các thành phố lớn, người dân vào cuộc cách mạng cùng với tuyên truyền giáo dục thì sẽ làm được. Nghị quyết 88 cũng nêu phải tăng cường việc xử lý, xử lý tối đa, đua xe thì dứt khoát là phải thu, còn việc không đội mũ bảo hiểm, chưa đến tuổi lái xe thì phải tạm giữ xe chứ không thể nhẹ nhàng được. Phải vừa tuyên truyền, vừa làm mạnh.

Các đèn tín hiệu phải rà soát lại cho phù hợp. Cái nào không phù hợp thì phải tháo ra, cái nào thiếu thì phải đóng thêm vào. Biển báo cũng là gây khó khăn cho lưu thông và cũng là nguyên nhân gây tắc đường.

Phải rà soát lại các trung tâm đào tạo lái xe. Chỗ nào không đảm bảo chất lượng, yêu cầu là loại bỏ ngay.

Rồi việc phân luồng. như trên Quốc lộ 1A sẽ phân luồng: loại nào đi trên Quốc lộ 1A, loại nào đi đường sắt, loại nào đi đường biển. Chứ không thể để Quốc lộ 1A gánh hết. Vì vậy, cần phải có phân loại đường, phân làn đường, phân luồng đường cho hợp lý.

Bên cạnh đó, bản thân người thực thi công vụ là Công an giao thông, Thanh tra giao thông cũng phải làm có trách nhiệm và cũng xử lý luôn những trường hợp vi phạm. Chứ không thể xử lý mỗi người vi phạm mà phải xử lý cả những người thực thi công vụ nếu vi phạm.

- Nói đến cấm xe nội đô để giải quyết ùn tắc chính là sự cưỡng chế, sự bất lực của cơ quan chức năng. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Bình quân mỗi năm tăng một triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Hiện, cả nước có khoảng 1,8 triệu ôtô và hơn 35 triệu mô tô với dân số là hơn 80 triệu. Như vậy cứ 2 người dân thì có 1 ôtô, xe máy. Mật độ như vậy là quá lớn nên hạn chế là việc phải làm.

Những giải pháp này chỉ hiệu quả khi người dân cùng thực hiện cùng cơ quan chức năng. Làm sao để có cuộc vận động toàn dân nâng cao ý thức về châp hành luật lệ giao thông. Đó phải là một cuộc cách mạng thực sự và giảm ùn tắc giao thông đó là trách nhiệm từng người dân, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương. Người dân vừa là chủ thể thực hiện giao thông, vừa là người bị hại của ùn tắc, nếu người dân mà không tham gia thực hiện chấp hành luật thì thua. Công an không đủ sức để phân làn, để giải tỏa ùn tắc.

- Nhưng để người dân tự giác thực hiện là rất khó?

Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Đúng là như thế, nhưng không thể có lực lượng chức năng 24/24 giờ đứng đó để theo sát được. Cho nên cùng với các biện pháp cưỡng chế, xử lý hành chính mạnh thì ý thức người dân cũng phải được cải thiện dần. Nếu xử phạt mạnh thì nhiều lắm một ngày một người cũng chỉ bị phạt một đến hai lần chứ tiền đâu ra mà phạt nhiều. Cho nên không chỉ có giáo dục không, phạt không mà phải thực hiện đồng bộ, hài hòa làm một quá trình. Ùn tắc giao thông thể một hay hai ngày được, không phải chỉ ra một, hai Nghị quyết là làm được.

- Bộ trưởng cho biết đến khi nào thì ùn tắc có thể được hạn chế?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bắt đầu bây giờ triển khai nhưng sang năm chúng ta thực hiện Nghị quyết 88 và năm giao thông 2012 thì chắc chắn đến cuối năm an toàn giao thông sẽ được cải thiện đáng kể và ùn tắc giảm. Chắc chắn là làm được. Một giải pháp đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân đồng tình ủng hộ, công luận ủng hộ về chủ trương, nguyên tắc thì chắc chắn thành công.

Hiện, Thành phố Hà Nội đang có thí điểm xây các cầu vượt nhẹ ở các nút giao cắt ngã tư đồng mức cho xe tải, xe taxi, gắn máy có thể đi trên đó, cũng giảm được ùn tắc. Thành phố cũng dự tính sắp làm thí điểm một số tuyến và sẽ áp dụng phổ biến rộng. Cầu vượt này thi công nhanh trong khoảng 3 tháng, kết cấu khung thép được sản xuất trong các nhà máy, chỉ mang ra lắp.

- Liệu cầu vượt này có phá vỡ không gian quy hoạch và kiến trúc đô thị của Hà Nội?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Ý tưởng cầu vượt nhẹ là của Bộ Giao thông vận tải, cầu vượt nhẹ tuy ảnh hưởng mỹ quan nhưng trong điều kiện tính toán hợp lý thì để giảm thiểu ùn tắc thì phải từ bỏ cái đẹp chứ không thể hoàn hảo được. Trước hết, sẽ được triển khai ở Hà Nội.

- Trong thời gian tới, phải xây cầu vượt nhẹ, nâng cao chất lượng xe buýt... nguồn vốn đầu tư đó Bộ lấy ở đâu ra để làm đồng bộ tất cả?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nhu cầu cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là rất lớn. Đặc biệt là trong khi nợ công quốc gia đang bùng nổ và lạm phát nên cần cơ chế đột phá huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển giao thông.

Làm đường, làm cầu BT BOT, làm PPP, thậm chí kể cả việc đầu tư cho phương tiện giao thông vận tải cho cá nhân, tư nhân làm và tính thu phí kinh doanh thì chắc chắn có cạnh tranh. Hiện nay, hầu như các xe buýt trong nội đô là của Nhà nước nên chất lượng còn thấp. Cho nên cần xã hội hóa, xã hội hóa đến mức nào thì cần tính toán cụ thể. Rõ ràng bài toán vốn là rất nan giải trong khi nếu vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 thì còn khó khăn hơn nữa.

Ngoài sự đột phá về vốn đầu tư thì cũng phải đột phá về cơ chế tổ chức triển khai đồng bộ.

Ví dụ như nên có công ty Cổ phần khai thác tuyến Hà Nội–Lào Cai và Hà Nội–Hải Phòng với chi phí, giá vé công khai, người dân vui vẻ chấp nhận. Đi giá vé bình thường thì tàu này, còn giá vé cao thì chất lượng tốt, điều hòa máy lạnh, để tư nhân đầu tư tham gia.

- Vừa rồi Chính phủ có yêu cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành thí điểm phân làn trên các tuyến phố nội đô. Bộ trưởng có sự kỳ vọng về việc phân làn?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thực ra phân luồng và phân làn đã được làm lâu rồi nhưng hiện duy trì lại cho hợp lý còn tất nhiên nó có được tuyệt đối như mình mong muốn không thì là rất khó nhưng nó sẽ có cải thiện. Đấy là điều chắc chắn.

Bởi vì trước mắt là sẽ phân làn vận động, hướng dẫn ban đầu, còn sau này cùng việc hướng dẫn thì sẽ phạt. Trong điều kiện đường xá hẹp, hạ tầng chỉ có thế thì phân làn sẽ giúp giao thông lưu thông tốt, trật tự ngăn nắp hơn, không gây ùn tắc cục bộ.

Khi rẽ thì phải cắt từ làn này sang làn kia, sau này sẽ làm các đường trên cao nhẹ để lưu thông. Việc phân làn là có hiệu quả giảm ùn tắc chứ không thể nói là không có tác dụng được.

- Mới đây Thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất thu phí ôtô vào nội đô, Bộ trưởng nhận định như thế nào?


Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Tôi ủng hộ và Hà Nội cũng nên làm. Việc này các nước làm lâu rồi và làm rất tốt. Việc thu phí xe cá nhân vào nội đô có thể dùng tiền đó để xoay vòng cho việc đầu tư các khoản khác cho giao thông.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng./.


Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục