Chậm giải phóng mặt bằng tại Dự án Quản lý rủi ro ngập nước ở TP. HCM

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê bình nghiêm khắc các đơn vị và cá nhân liên quan việc chậm giải phóng mặt bằng Dự án Quản lý rủi ro ngập nước.
Chậm giải phóng mặt bằng tại Dự án Quản lý rủi ro ngập nước ở TP. HCM ảnh 1Nước thải chưa qua xử lý đổ ra kênh Tham Lương. (Ảnh: Văn Khánh/TTXVN)

Liên quan đến Dự án Quản lý rủi ro ngập nước, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê bình nghiêm khắc các cơ quan chức năng, các đơn vị và cá nhân liên quan nhất là Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho Dự án Quản lý rủi ro ngập nước được thực hiện ở Dự án Tiêu thoát nước và Cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên (giai đoạn 1) đã được triển khai từ đầu năm 2002 đến nay từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đây là dự án đầu tư trọng điểm của Thành phố với mục tiêu chính là tiêu thoát nước, cải thiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan cho lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên, giải quyết ngập cho vùng trung tâm thành phố có tính đến biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống cho nhân dân trong dự án, phát triển hệ thống giao thông ở hướng Tây Nam.

Dự án có 3.212 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng dự toán kinh phí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là 1.573 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng mức đầu tư của Dự án Quản lý rủi ro ngập nước thành phố khoảng 9.889 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn vay ODA là 9.0 4 9 tỷ đồng và vốn đối ứng là 840 tỷ đồng).

Thành phố cam kết với WB trong tháng 6/2015 sẽ hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện xong mặc dù Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình.

Tính đến nay, có 2.909 trường hợp bàn giao mặt bằng và giải ngân được 1.472 tỷ đồng, còn 303 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, trong đó riêng trên địa bàn quận Bình Tân vẫn còn đến 290 trường hợp.

Ngoài ra, cũng tại quận Bình Tân có 54 hộ dân sử dụng nhà đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch, san lấp, phân lô, mua bán đất trái pháp luật, xây dựng nhà không phép trong Dự án Quản lý rủi ro ngập nước (hơn 6.500m2). Tình trạng này là hệ quả của việc quản lý yếu kém, buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã có kết luận và chỉ đạo tổ chức điều tra, xác định đối tượng, hành vi vi phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhưng các cơ quan chức năng đã thực hiện thiếu trách nhiệm, không làm hết trách nhiệm, để vụ việc kéo dài dẫn đến vụ án hết thời hạn điều tra, phải đình chỉ điều tra.

Để đảm bảo tiến độ thi công và hoàn thành dự án, Ủy ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, thống nhất nội dung, biện pháp, kế hoạch thực hiện và giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ di dời đối với 54 hộ dân sử dụng nhà, đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch nêu trên; đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục thi công trước ngày 31/12, nhất quyết không để kéo dài hơn nữa.

Đối với các hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng của quận 12, quận Tân Bình, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu phải hoàn thành dứt điểm trong tháng 9/2015.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân, Bình Thạnh, quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh khẩn trương hoàn tất công tác nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng tuyến đường dọc kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên kết hợp với chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất hai bên đường tạo hành lang thông thoáng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục