Chậm và hủy chuyến: Nguyên nhân chính là do máy bay về muộn

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, việc chậm chuyến bay trong tháng Tám của các hãng hàng không phần lớn là do máy bay về muộn và không có tình trạng hủy chuyến vì lý do thương mại.
Chậm và hủy chuyến: Nguyên nhân chính là do máy bay về muộn ảnh 1Hành khách xếp hàng dài đợi chờ làm thủ tục bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), trong tháng Tám vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện gần 15.000 chuyến bay, trong đó tỷ lệ chậm chuyến chiếm 13,8% (giảm 8% so với tháng Bảy); tỷ lệ hủy chuyến là 0,5% (giảm gần 1% so với tháng trước đó).

Cụ thể, các chuyến bay bị chậm trong tháng Tám là 2.057 chuyến với các nguyên nhân như quản lý bay, trang thiết bị và dịch vụ hàng không, do hãng hàng không, yếu tố thời tiết… Đặc biệt, do máy bay về muộn chiếm đến hơn 60% (1.290 chuyến) trong số các chuyến bay bị chậm trong tháng này.

Dẫn đầu về tỷ lệ chậm và hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là Jetstar Pacific với hơn 25% (391 chuyến bị chậm trong tổng số 1.556 chuyến khai thác), tiếp đến là VietjetAir với 19,9% (638/3.214 chuyến bay), Vietnam Airlines chiếm con số 10,4% (1.007/9.701 chuyến bay).

Báo cáo của Cục Hàng không cũng nêu rõ, không có chuyến bay nào của các hãng hàng không hủy chuyến vì lý do thương mại.

Trong thời gian vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng chậm hủy chuyến bay đồng thời đã phân tích hàng loạt các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, các chuyến bay về muộn có hơn 1.001 lý do làm chậm hủy chuyến. Cục đang cố gắng làm rõ, để điều chỉnh đồng thời đánh giá các nguyên nhân có phải do năng lực mặt đất hay không? Do tàu bay về chậm hay là do nguyên nhân thời tiết, kỹ thuật… Qua giám sát, kiểm tra trực tiếp, sẽ tập trung vào yếu tố con người, công tác phục vụ mặt đất.

Đưa ra các giải pháp trước mắt, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific đã đề nghị một số vấn đề với Cục Hàng không để rút ngắn thời gian tối đa nhằm hạn chế việc chậm, hủy chuyến.

Theo đó, các hãng đề nghị Cục Hàng không cho phép các hãng vừa bơm nạp xăng dầu vừa cho khách làm thủ tục lên máy bay để tiết kiệm thời gian thay vì phải bơm xăng xong mới cho khách lên máy bay, nộp kế hoạch bay điện tử thay vì để phi công phải trực tiếp đến phòng thủ tục bay để nộp, điều tiết giờ hạ và cất cánh (slot) của các hãng hàng không tại sân bay.

Nhằm khắc phục thực trạng này, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không phải lập kế hoạch bay phù hợp với năng lực khai thác, bổ sung đội tàu bay và đảm bảo có tàu bay dự bị nhằm phục vụ hành khách theo đúng kế hoạch bay đề ra đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh lịch bay hợp lý để thời gian quay đầu giữa các chuyến bay nhanh hơn.

Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo cần hạn chế sự ùn tắc của hành khách ảnh hưởng tại sân bay; phối hợp chặt chẽ với các Công ty phục vụ mặt đất và điều hành, kiểm soát không lưu nâng cao khả năng điều hành tốt chuyến bay; tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp khách hàng hiểu biết chính sách thương mại và nắm bắt tốt các quy định an toàn, dịch vụ tại sân bay, hạn chế chậm giờ do khách, tăng cường công tác điều hành quản lý phối hợp trên các Cảng hàng không…

Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng chỉ đạo Cục Hàng không sửa đổi Thông tư quy định về bồi thường trong vận chuyển hành khách hiện nay theo hướng tăng dần mức bồi thường cho hành khách bị chậm, hủy chuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục