Chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp FIE thao túng thị trường dược phẩm

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược chỉ rõ, khi Việt Nam tham gia vào WTO, do cơ sở pháp lý có những điểm chưa rõ ràng, một số doanh nghiệp FIE đã lợi dụng để “phân phối núp bóng.”
Chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp FIE thao túng thị trường dược phẩm ảnh 1Đóng gói thuốc thành phẩm tại một công ty dược trong nước. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Thời gian gần đây, có nhiều một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FIE) lên tiếng cho rằng việc thực hiện Nghị định số 54/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược, nhất là trong đó có những quy định liên quan tới việc kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc… gây nên sự thiếu minh bạch trong môi trường đầu tư dược phẩm.

[Bộ trưởng Tiến: Giá nhiều loại thuốc ở Việt Nam thấp so với khu vực]

Trước vấn đề trên, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng các quy định về phân phối thuốc được nêu tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP là rất cần thiết trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư.

Cụ thể, ngày 8/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược. Nghị định gồm 9 chương, 145 điều.

Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 và bãi bỏ các Nghị định 79/2006/NĐ-CP, Nghị định 89/2012/NĐ-CP, Nghị định 102/2016/NĐ-CP và Điều 3 của Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Vậy thị trường dược phẩm bị ảnh hưởng như thế nào khi nghị định 54/2017/NĐ-CP được thực thi?

Ông Đông phân tích, hiện nay Việt Nam vừa phải đảm bảo an ninh y tế, người dân được hưởng các chính sách bảo hiểm y tế, đồng thời bảo đảm môi trường đầu tư đúng với các cam kết quốc tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty FIE có hoạt động lành mạnh, phù hợp với các quy định của pháp luật.

“Mặt khác, các doanh nghiệp FIE đang kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc tại Việt Nam đều có thể điều chỉnh mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam để phù hợp với quy định và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư,” ông Đông nhấn mạnh.

Chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp FIE thao túng thị trường dược phẩm ảnh 2Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vị đại diện Cục Quản lý dược giải thích, năm 2007, khi Việt Nam ký kết Hiệp định và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền sản xuất thuốc của Việt Nam vẫn ở thời kỳ đầu của phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư gia tăng số lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, chưa tập trung phát triển mạnh kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất tự tổ chức phân phối nhỏ lẻ, thị trường manh mún, khó cạnh tranh. Vì thế "miếng bánh" phân phối thuốc vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, một cách không chính thống.

[Biệt dược “tung hoành” trong bảng giá ở các bệnh viện Trung ương]

Cụ thể, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FIE) có đăng ký hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam đã liên kết với một số doanh nghiệp dược trong nước để thực hiện việc “phân phối núp bóng.” Điều đó đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp dược của Việt Nam nhập khẩu rồi bán thuốc theo sự điều khiển của các doanh nghiệp FIE ở tất các các khâu, từ quy định giá bán, đối tượng bán, đến thời điểm xuất kho, phương pháp tiếp thị, nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, thanh toán.

Hoạt động của các doanh nghiệp dược Việt Nam trong mối liên kết này phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp FIE và chỉ được hưởng một khoản phí rất thấp, chỉ khoảng 0,3%. 

Năm 2016, chỉ với 3 doanh nghiệp FIE hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam (công ty mẹ tại nước ngoài cung cấp thuốc) có doanh số phân phối thuốc tại Việt Nam là 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng giá trị thuốc thành phẩm nhập khẩu và khoảng 30% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng một năm (4,2 tỷ USD). Con số này sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa với doanh số phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm.

Theo ông Đông, nếu tiếp tục để các doanh nghiệp FIE được phân phối trá hình như hiện nay thì ngoài việc các doanh nghiệp dược Việt Nam bị giảm thị phần, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sản xuất thuốc, mà quan trọng hơn cả là y tế Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc vào một số doanh nghiệp FIE.

Bởi các doanh nghiệp đó hoàn toàn có thể thao túng giá thuốc, điều phối thị trường, việc này có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh y tế. Khi mà thị trường dược phẩm gần như thuộc về vài nhà phân phối nước ngoài thì mục tiêu bình ổn giá thuốc, quyết tâm kiềm chế giá dược phẩm của chính phủ sẽ rất khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược chỉ rõ, khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do cơ sở pháp lý có những điểm chưa rõ ràng, một số doanh nghiệp FIE đã lợi dụng để “phân phối núp bóng.” Vì vậy, nghị định 54/2017/NĐ-CP đã làm rõ.

Nghị định 54/2017/NĐ-CP nhằm triển khai nội dung cam kết đa phương và song phương, quy định chi tiết các hoạt động liên quan đến phân phối thuốc mà doanh nghiệp FIE không được thực hiện tại Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo toàn vẹn quyền nhập khẩu thuốc của các doanh nghiệp này. 

Theo đó, các doanh nghiệp FIE không được nhận vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối; không quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối…

Ông Đông nhấn mạnh, việc bảo lưu quyền phân phối sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp dược Việt Nam tập trung đầu tư sản xuất thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị trong nước, tạo lợi thế để từng bước hình thành các doanh nghiệp phân phối thuốc lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động trong cung ứng, phân phối thuốc.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Đức Chính - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư kí Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam chỉ rõ, Nghị định 54 hoàn toàn không ảnh hưởng đến tình hình cung ứng thuốc tại Việt Nam. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp dược trong nước xây dựng được mạng lưới phân phối thuốc chuyên nghiệp, đầu tư về công nghệ hiện đại, quy mô kho bãi hàng chục ngàn mét vuông, mạng lưới bao phủ trên toàn quốc, và hoàn toàn có thể kiểm soát tốt chất lượng, cung ứng thuốc kịp thời theo đặt hàng.

“Hơn nữa, các quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP chỉ là triển khai làm rõ các cam kết quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho hệ thống phân phối thuốc hoạt động minh bạch, tạo điều kiện phát triển ngành dược, để có thể chủ động trong việc cung ứng thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc tại Việt Nam,” ông Chính phân tích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục