Chặng đường gập ghềnh đối với tân tổng thống Myanmar

Chính phủ mới của Myanmar được trông đợi sẽ đem lại động lực cho sự phát triển của quốc gia này nhưng chặng đường trước mắt của ban lãnh đạo mới sẽ còn lắm chông gai.
Chặng đường gập ghềnh đối với tân tổng thống Myanmar ảnh 1Tân tổng thống Myanmar Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi. (Nguồn: independent.co.uk)

Ngày 17/3, Tổng thống đắc cử của Myanmar, ông Htin Kyaw sẽ đệ trình danh sách nội các mới với nhiệm kỳ 5 năm. Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua, Myanmar có một tổng thống và một chính phủ không xuất thân từ quân đội và được bầu chọn một cách dân chủ.

Chính phủ mới của Myanmar được trông đợi sẽ đem đến nhiều động lực cho sự phát triển của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt của ban lãnh đạo mới sẽ còn lắm chông gai.

Trong cuộc bầu chọn tại phiên họp chung lưỡng viện Quốc hội Myanmar hôm 15/3, ông Htin Kyaw, 69 tuổi, trợ lý thân cận của lãnh đạo Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi, đã giành được 360/652 phiếu bầu, trở thành tổng thống thứ 9 của Myanmar.

Hiến pháp hiện hành của Myanmar không cho phép bà San Suu Kyi nắm quyền điều hành cao nhất bởi bà có hai con mang quốc tịch nước ngoài. Nguồn tin từ nội bộ NLD cho biết bà San Suu Kyi dự kiến sẽ giữ vị trí “bộ trưởng cấp cao” trong chính phủ mới và trên thực tế, bà sẽ điều hành chính phủ thực sự với tư cách là người chủ trì quá trình chuyển giao tại quốc gia này.

Trước đó, sau nhiều tuần đàm phán, NLD đã không thể thuyết phục quân đội hủy bỏ hoặc đình chỉ điều khoản trong hiến pháp hiện hành để cho phép bà San Suu Kyi nhậm chức tổng thống. Thậm chí, trong phiên họp xét duyệt tư cách ứng cử viên tổng thống, quân đội đã lần lượt bác bỏ tư cách ứng cử viên của cả hai nhân vật do NLD giới thiệu.

Hiện đại diện quân đội vẫn giữ hơn một nửa số ghế trong Hội đồng an ninh-quốc phòng Myanmar, trong khi tại quốc hội, lực lượng này cũng giữ đến 25% số ghế.

Vì thế, vấn đề hiện nay không phải là việc bà San Suu Kyi có làm tổng thống hay không, mà là bà và NLD có thể điều hành đất nước hiệu quả hay không. Xét cho cùng, đây không phải là vấn đề về quy định hiến pháp, mà là vấn đề về chia sẻ quyền lực với quân đội.

Một ngày sau khi có kết quả bầu tổng thống, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing cam kết các lực lượng vũ trang sẽ hợp tác với chính phủ mới trong mọi lĩnh vực để có được hòa bình, thống nhất và phát triển cho đất nước.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa quân đội và bà San Suu Kyi cùng NLD nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong tình trạng “miễn cưỡng và đấu tranh kéo dài”. Cuộc đấu tranh này trong dài hạn sẽ là trận chiến để xác định lực lượng nào có thể đảm đương sứ mệnh đáp ứng các yêu cầu ổn định và phát triển của đất nước Myanmar.

Hơn hết, NLD - chính đảng còn non nớt kinh nghiệm trong điều hành đất nước - sẽ phải tìm cách đáp ứng những kỳ vọng to lớn mà chiến dịch vận động tranh cử đã đưa ra. Các vấn đề kinh tế và xung đột sắc tộc sẽ là bài toán khó mà chính phủ mới phải xử lý trong những năm đầu tiên lên nắm quyền.

Myanmar là đất nước rộng lớn, nhiều tài nguyên, nhưng nền kinh tế vẫn còn kém phát triển. Điều kiện sống của phần lớn người dân Myanmar tại vùng nông thôn hết sức khó khăn. Nhiều người trong số họ đang có mức sống ít hơn 1,25 USD/ngày. Với GDP bình quân đầu người vào khoảng 810 USD, Myanmar vẫn là một trong số những quốc gia nghèo nhất châu Á.

Tình trạng đói nghèo của đại bộ phận dân chúng, sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng và nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp kém phát triển là những gánh nặng đối với chính phủ mới. Nhiều khả năng, NLD sẽ tiếp tục theo đuổi những cải cách mà chính quyền đương nhiệm đang thực hiện, nhưng chắc chắn đảng này sẽ phải vất vả để vượt qua những bất cập do sự thiếu kinh nghiệm của những người tham gia quản lý đất nước trong thời kỳ mới.

Gần một tháng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái, chính quyền của Tổng thống U Thein Sein đã ký một thỏa thuận đình chiến toàn quốc với hơn 10 nhóm sắc tộc chính, song chiến sự vẫn tiếp diễn với một số nhóm khác và khả năng chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột đẫm máu suốt hơn 60 năm qua vẫn để ngỏ. Giải pháp duy nhất cho vấn đề chia rẽ trong xã hội Myanmar vẫn là kiên trì đối thoại chính trị, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai một chính sách đối ngoại cân bằng quan hệ với các nước lớn đang muốn có ảnh hưởng tại khu vực giữ vị trí chiến lược này cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Chính sách đối ngoại của chính phủ mới tại Myanmar chắc chắn phải nhằm giải quyết bài toán cân bằng lợi ích các nước lớn và khu vực đang giằng co ảnh hưởng tại đây.

Giới phân tích quốc tế đều có chung nhận định rằng đất nước Myanmar, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chưa khai thác, lịch sử văn hóa lâu đời, nguồn nhân lực sử dụng tiếng Anh tốt, cộng với vị trí địa chiến lược, hoàn toàn có thể phát triển và có vị thế quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Tổ chức tư vấn McKinsey Global Institute từng đưa ra dự báo GDP của Myanmar sẽ tăng gấp 4 lần, từ mức 45 tỷ USD năm 2013 lên 200 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, chính phủ do NLD lãnh đạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó việc xây dựng các thể chế để đảm bảo sự tham gia rộng rãi của người dân vào các quyết sách quốc gia là điều quan trọng nhất khi mà cho tới nay, vị thế của đảng NLD cầm quyền vẫn còn phụ thuộc nhiều vào uy tín cá nhân của nhà lãnh đạo San Suu Kyi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục