Chất không kịp lượng

10 năm DN tư nhân: Chất không theo kịp lượng

Từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng ấn tượng về số lượng nhưng chất lượng chưa song hành.
Kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Thế nhưng, còn phải có rất nhiều nỗ lực và nhiều năm tháng nữa, khu vực này mới có thể trở thành đầu tàu phát triển của Việt Nam.

Tăng trưởng ấn tượng về số lượng nhưng chất lượng chưa song hành là nhận định chung của các chuyên gia nghiên cứu trong Báo cáo có chủ đề “Đánh giá nhanh chất lượng khu vực kinh tế tư nhân trong 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp”.

Báo cáo do nhóm nghiên cứu của ông Lê Duy Bình, chuyên gia Kinh tế của Economica Vietnam và ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia Phân tích Chính sách của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, với sự tham gia của một số nghiên cứu viên khác thuộc tổ chức Economica Vietnam.

Tăng trưởng đặt biệt ấn tượng về số lượng

Theo nhóm nghiên cứu, nổi bật nhất là sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng của khu vực kinh tế tư nhân. Cho dù, nguồn số liệu từ các cơ quan như Cục Phát triển Doanh nghiệp và Tổng cục Thống kê đều thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư; Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính đưa ra là khác nhau, nhưng tất cả đều cho thấy một sự tăng trưởng đột biến về số lượng doanh nghiệp tư nhân sau 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, với hơn 83.000 doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2009, con số doanh nghiệp đã đăng ký khi cộng dồn lại đến tháng 12/2009 ước đạt 460.000 doanh nghiệp. Từ số lượng khoảng 31.000 doanh nghiệp vào năm 2000, con số này nay đã tăng 15 lần chỉ vỏn vẹn trong 9 năm.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng này thể hiện sức sống mãnh liệt của tinh thần kinh doanh của người dân Việt Nam cũng như tác động lớn của những cải cách về môi trường kinh doanh đã được thực hiện, đặc biệt qua Luật Doanh nghiệp (1999 và 2005).

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 3/2009, cả nước có 272.680 doanh nghiệp dân doanh trong tổng số hơn 289.670 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Điều này cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lớn nhưng số doanh nghiệp tồn tại được trên thực tế ước chỉ xấp xỉ 50%.

Ông Lê Duy Bình cho rằng so với nhiều nước khác, tỉ lệ đó là hoàn toàn bình thường, không nên coi là một chỉ số phản ánh chất lượng thấp của các doanh nghiệp được đăng ký.

Những chỉ số ấn tượng về năng lực hoạt động

Theo ông Đậu Anh Tuấn, báo cáo nghiên cứu cũng đã tập trung sâu vào phân tích những chỉ số về năng lực hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả chung cho thấy, doanh nghiệp tư nhân cải thiện nhanh chóng các chỉ số về năng lực hoạt động của mình.

Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp tư nhân đã tăng 17 lần từ khoảng 38.700 tỷ vào năm 2000 lên tới 657.000 tỷ vào năm 2008.

Tính trung bình, vốn chủ sở hữu bình quân một doanh nghiệp tư nhân hiện nay đạt 5,2 tỷ đồng, so với 1,2 tỷ đồng vào năm 2000. Việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp tư nhân đã đi kèm với mức tăng rất ấn tượng về mức tăng doanh thu thuần tăng gần 16 lần, lợi nhuận tăng 27 lần, tổng tài sản tăng 24 lần trong giai đoạn 2000-2008.

Đặc biệt, tốc độ tăng của tổng tài sản, lợi nhuận nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu, thể hiện việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư và các cổ đông trong doanh nghiệp tư nhân.

Về khả năng tạo lợi nhuận, tính trung bình một doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể tạo ra được khoảng 54 triệu đồng lợi nhuận/năm vào năm 2000 thì nay con số này đã tăng lên gấp năm lần, đạt 258 triệu đồng vào năm 2008.

Một doanh nghiệp tư nhân hiện nay cũng có mức tài sản trung bình là 14 tỷ đồng và mức doanh thu thuần trung bình là 17 tỷ đồng, tăng hơn rất nhiều so với những năm đầu thập kỷ.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu như vào năm 2000, với 100 đồng vốn chủ sở hữu, một doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể tạo ra hơn 270 đồng tài sản và 4,4 đồng lợi nhuận thì đến năm 2008, với 100 đồng vốn chủ sở hữu, một doanh nghiệp tư nhân tạo ra được tới gần 400 đồng tài sản và 7 đồng lợi nhuận. Một sự cải thiện hết sức đáng khích lệ.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong các doanh nghiệp có đăng ký chính thức, các doanh nghiệp tư nhân là khu vực tạo ra nhiều việc làm và với việc tăng nhanh về số lượng, đây cũng là khu vực có tốc độ tạo ra việc làm lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác.

Sau 9 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2008, các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra được 4,3 triệu việc làm, chiếm hơn 54% tổng số việc làm mà các doanh nghiệp chính thức tạo ra và gấp gần 4 lần tổng số việc làm mà các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tạo ra.

Như vậy, số lượng việc làm doanh nghiệp tư nhân tạo ra trong giai đoạn này cũng đã tăng hơn 505%. Đáng chú ý, mức thu nhập bình quân hàng năm của người lao động trong năm 2000 chỉ là 8,2 triệu đồng, gấp khoảng 1,4 lần GDP bình quân đầu người của năm, tính theo giá năm 2000. Con số này đã tăng lên 32 triệu đồng/người/năm vào năm 2008, gần gấp đôi mức thu nhập bình quân đầu người.

Năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh cũng đã được cải thiện đáng kể. Trong vòng 9 năm, mức doanh thu trung bình do một người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân tạo ra đã tăng gấp 3 lần, từ 225 triệu đồng vào năm 2000 lên tới 710 triệu đồng vào năm 2008.

Thiếu vắng doanh nghiệp lớn và vừa

Đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh số lượng những doanh nghiệp tư nhân lớn còn quá ít ỏi và các doanh nghiệp quy mô vừa cũng vắng bóng. Trong báo cáo top 500 doanh nghiệp lớn nhất của VietNam Report và VietNamNet công bố vào năm 2009 chỉ có gần 29% trong số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp tư nhân.

Con số này có tăng so với mức 24% của năm 2008, nhưng phần lớn sự tăng trưởng này và cả tỷ trọng lớn trong số các doanh nghiệp tư nhân lớn này là nhờ một số đáng kể là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Còn trong danh sách 200 doanh nghiệp lớn nhất do UNDP công bố thì chỉ có 17 doanh nghiệp tư nhân, nhưng phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa.

Những hạn chế của môi trường kinh doanh cũng như trình độ quản trị, điều hành, vốn, công nghệ… đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân khó có thể nhanh chóng lớn mạnh thành những đầu tàu cho nền kinh tế hoặc cho toàn bộ khu vực tư nhân.

Ngoài ra, mặc dù trình độ quản trị điều hành của các doanh nghiệp tư nhân đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước năm 2000, Báo cáo cho rằng chất lượng của công tác quản trị công ty tại doanh nghiệp tư nhân vẫn còn là một vấn đề lớn. Đặc biệt, một hạn chế cơ bản của các doanh nghiệp này là thiếu chiến lược dài hạn và niềm tin./.

 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân                                                            thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục