“Chat” với thầy tân hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội

Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên phó giáo sư Hoàng Minh Sơn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội: Hiệu trưởng. "Vinh dự, nhưng trọng trách cũng rất lớn," thầy Sơn nói.
“Chat” với thầy tân hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội ảnh 1Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn. (Nguồn: hust.edu.vn)

Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên phó giáo sư Hoàng Minh Sơn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội: Hiệu trưởng. "Vinh dự, nhưng trọng trách cũng rất lớn," phó giáo sư Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

- Trọng trách lớn, thầy có cảm thấy áp lực?

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn: Đại học Bách khoa Hà Nội có truyền thống gần 60 năm với thành tích và đóng góp rất lớn cho đất nước. Thành tích và uy tín để lại đúng là áp lực và trách nhiệm rất lớn để các thế hệ đi sau giữ vũng, củng cố và nâng cao.

Trường có hơn 2.000 cán bộ giảng viên và khoảng 35.000 sinh viên. Bên cạnh nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo còn phải cải thiện môi trường học tập cho sinh viên, nâng cao uy tín của trường, tìm kiếm nguồn lực để xây dựng, phát triển trường và cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, giảng viên. 

Ngoài nhiệm vụ đó, trường còn có trách nhiệm góp phần cải thiện hệ thống đại học Việt Nam thông qua tham mưu các cơ chế chính sách.

- Với các sinh viên, thầy có dự định gì trong nhiệm kỳ của  mình?

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn: Với một trường đại học thì nhiệm vụ quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học. 

Muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải đầu tư cho cơ sở vật chất, giáo trình, đội ngũ, giảm quy mô sinh viên, tăng cường công tác phục vụ sinh viên tốt hơn. Bên cạnh đó là việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học.

Tất cả những cái đó đều cần nguồn lực tài chính và con người nên hướng đi của trường là tăng cường phát huy mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính và con người là quan trọng nhất.

Nhưng nguồn lực con người thì phải cạnh tranh với các trường đại học khác ở cả trong và ngoài nước, với các doanh nghiệp, các tổ chức.

Nếu có tài chính thì sẽ thu hút được con người, và vì thế phải tìm cách thu hút nguồn lực tài chính. Tất nhiên, bên cạnh đó còn nhiều giải pháp khác để giữ cán bộ giỏi ở lại trường, thu hút cán bộ giỏi về trường.

Bên cạnh đó, phải đổi mới quản trị đại học để tối ưu hóa các nguồn lực hiện có, sử dụng hiệu quả cao nhất, nhất là trong điều kiện tài chính hạn chế. Đầu tư vào đâu, vào cái gì, tuyển dụng các cán bộ thế nào để đạt hiệu quả cao… đều là các vấn đề cần phải cân nhắc.

- Hiện nhiều ý kiến cho rằng giáo dục đại học ở Việt Nam đang thắt đầu vào nhưng thiếu chặt chẽ trong quá trình đào tạo và buông đầu ra. Với Đại học Bách khoa thì như thế nào?

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn: Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, từ trước nay đầu vào chặt, ra cũng chặt, đảm bảo chất lượng đào tạo. Để vào được trường khó nhưng để ra trường và thành công cũng phải rất nỗ lực. Chỉ những sinh viên thực sự nỗ lực, nghiêm túc mới tốt nghiệp được.

Thống kê của trường cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khoảng trên dưới 80%.Số sinh viên ra trường đúng thời hạn khoảng trên 50%. Khoảng 30% còn lại các em có thể tốt nghiệp chậm một vài tháng, một học kỳ, một năm, hoặc hơn. Nhưng cũng có em tốt nghiệp sớm.

Thời tôi là sinh viên của trường thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.

Trước đây, khá nhiều sinh viên năm cuối không đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng hiện nay đã giảm do việc đào tạo tín chỉ có nhiều ưu điểm hơn. Trước đây học theo niên chế thì có chế độ lưu ban nhưng học theo tín chỉ không có lưu ban. Nếu sinh viên không hoàn thành các học phần thì sẽ bị cảnh báo học tập.

Việc nghỉ học theo đó diễn ra sớm hơn, tập trung vào sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai, với sinh viên năm thứ ba và thứ tư tỷ lệ thôi học ít hơn.

Số sinh viên bị buộc thôi học mỗi năm khoảng 500 em, nếu tính toàn khóa đào tạo thì tỉ lệ bị buộc thôi học chiếm khoảng 10%. Số lượng các em bị cảnh báo học tập thì nhiều hơn, chiếm tỉ lệ khoảng 15-20% tổng số sinh viên, chia làm nhiều mức (1, 2, 3).

Bên cạnh đó, còn một số lượng sinh viên xin thôi học vì nhiều lý do. Có em xin đi du học nước ngoài, có em xin chuyển sang trường khác học nhẹ hơn. Nhiều em sau khi vào trường thấy mình không phù hợp với ngành nghề đã chọn nên thi lại. Có em muốn bắt đầu lại từ đầu…

Không phải mọi sinh viên bỏ giữa chừng đều là vì bị buộc thôi học, các em có rất nhiều lựa chọn.

Như vậy, với mỗi khóa thì tổng số sinh viên thôi học khoảng 20%, dẫn tới tỉ lệ tốt nghiệp khoảng 80%.

- Luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, với những sàng lọc gắt gao và với tỷ lệ sinh viên bị buộc thôi học khá cao, lên đến 10%, nhưng trường đã thử tìm hiểu nguyên nhân, thưa thầy?

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn: Trường không gắt gao mà là chặt chẽ. Ở Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp 80% khá thấp nhưng so với trên thế giới, nhất là khối trường kỹ thuật, thì tỷ lệ này vẫn còn cao.

Tất nhiên, phải khẳng định chất lượng đầu vào của trường cao nên nếu xét trên năng lực thì hầu hết sinh viên của trường đã thi đỗ đều có khả năng tốt nghiệp. Sinh viên không tốt nghiệp do những lý do chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân chính nhà trường thấy là do các em mải sa vào thế giới ảo, trò chơi điện tử hoặc các tệ nạn xã hội như cá độ bóng đá, các hoạt động không lành mạnh. 

Trường đã thiết kế chương trình tín chỉ theo tiến độ phù hợp nên nếu các em ý thức được, tôi tin rất ít sinh viên không thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo, chỉ khác về thời điểm ra trường. Em học tốt có thể ra trường sớm hơn, những em học khá ra trường đúng thời hạn, em học trung bình có thể ra trường chậm hơn.

- Trước thực trạng đó, là một hiệu trưởng, thầy có lời khuyên gì cho những sinh viên của mình, đặc biệt là những sinh viên năm nhất vừa mới vào trường?

Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn: Tôi nghĩ sinh viên phải xác định ngay từ đầu rằng học đại học có rất nhiều thay đổi so với khi học phổ thông.

Học phổ thông, các em có thầy cô, cha mẹ bên cạnh chăm lo, dạy bảo, đôn đốc, uốn nắn các hành vi sai trái. Môi trường học tập của các em cũng không nhiều cám dỗ như khi học đại học: sống ở một thành phố lớn, sống độc lập, ít người giám sát, có thể đi làm thêm bên ngoài...  

Trong học tập, nhiều sinh viên có tâm lý sau khi nỗ lực để đỗ vào một trường như Bách khoa thì xả hơi.Nhưng trên thực tế, sau khi đỗ đại học, các em mới thực sự con đường học tập, nghiên cứu để làm việc, ở phổ thông chỉ là học chương trình cơ bản.

Chương trình bậc phổ thông dễ hơn nhiều so với đại học nên nếu các em sao nhãng một thời gian vẫn có thể lấy lại được, nhưng ở đại học điều này rất khó. Đặc biệt ở Đại học Bách khoa, học phải là một quá trình liên tục, bền bỉ, tự học là chính, mới có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo, sinh viên không thể hy vọng chỉ cần học lúc ôn thi là có thể vượt qua kỳ kiểm tra.

Vì thế, ngay từ đầu, các em, phải có thái độ học tập nghiêm túc, tránh xa cám dỗ, trò chơi điện tử. Tôi nghĩ không cấm hoàn toàn nhưng các em cần làm chủ được việc chơi của mình, không để mình sa ngã. Năng lực tự chủ là hết sức quan trọng, các em phải học cách làm chủ bản thân và điều đó cũng thể hiện bản lĩnh của mỗi sinh viên.

- Xin cảm ơn thầy!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục