Châu Á-TBD sẽ phải đối mặt với các thách thức "chưa từng có"

Nếu các nước không thực thi đầy đủ các cam kết được đưa ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với các thách thức "chưa từng có."
Châu Á-TBD sẽ phải đối mặt với các thách thức "chưa từng có" ảnh 1(Nguồn: AAP)

Nếu các nước không thực thi đầy đủ các cam kết được đưa ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với các thách thức "chưa từng có" như nhiệt độ cao hơn, bão tố lớn hơn, lượng mưa thay đổi, mùa màng thất bát và các rạn san hô bị hủy diệt.

Đây là cảnh báo của các nhà khoa học trong báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK), Đức, công bố ngày 14/7.

Báo cáo nhấn mạnh tăng trưởng và an ninh của châu Á-Thái Bình Dương cũng như thịnh vượng của hàng trăm triệu người dân trong khu vực đang lâm nguy.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch ADB phụ trách phát triển bền vững Bambang Susantono cũng cho rằng các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ cao nhất lún sâu vào nghèo đói và thảm họa nếu các nỗ lực thích nghi và giảm nhẹ biến đổi khí hậu không được thực thi.

[OPEC khẳng định ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]

Do đó, theo các nhà khoa học, để đạt được mục tiêu về việc giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ 1,5-2 độ C so với thời kỳ trước tiền công nghiệp được đưa ra trong Hiệp định Paris, các nước cần thực thi các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu một cách nhanh chóng và quyết liệt.

Nếu thế giới tiếp tục phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất ấm lên như hiện nay, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 4 độ C vào cuối thế kỷ, trong đó, nhiều khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chứng kiến mức tăng 6 độ C.

Các nước như Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và miền Tây Bắc của Trung Quốc thậm chí còn có thể phải chứng kiến mực nhiệt tăng cao hơn, khoảng 8 độ C. Điều này sẽ gây ra sự thay đổi mạnh mẽ đối với khí hậu, đa dạng sinh học, nông nghiệp, ngư nghiệp của khu vực.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chiếm 2/3 dân số thế giới và 9 trong số 15 nước thuộc khu vực này được cho là dễ bị tổn thương nhất đối với thảm họa tự nhiên toàn cầu.

Hiện nay, hàng triệu người ở khu vực Nam Á đã phải chịu ảnh hưởng do nhiệt độ tăng cao, và dù tăng trưởng kinh tế của các nước ở khu vực đầy ấn tượng, thì cứ 10 nước châu Á lại có 1 nước người dân vẫn phải sống trong cảnh cực kỳ nghèo nàn.

Vì vậy, khu vực này cần dành ưu tiên cao cho việc đầu tư nhằm chuyển đổi nhanh chóng sang nền kinh tế carbon thấp.

Do nhiều nước vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch nên ADB sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào năm 2020 nhằm thúc đẩy nguồn cung năng lượng tái tạo và thúc đẩy tăng trưởng xanh trong toàn khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục