Châu Á-Thái Bình Dương cần tăng cường hợp tác

LHQ kêu gọi các nước châu Á-TBD tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng kinh tế năng động, hệ sinh thái lành mạnh và thịnh vượng.
Ngày 21/5, Liên hợp quốc kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng kinh tế năng động, hệ sinh thái lành mạnh và thịnh vượng.

Tại Hội nghị thường niên của các nước châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), Tiến sỹ Noeleen Heyzer, nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương cần phải vượt qua thách thức về vai trò lãnh đạo những chuyển đổi cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng năng động và bền vững.

Châu Á đã tăng trưởng, các nền kinh tế châu Á đã thịnh vượng và quyền lực kinh tế thế giới đã chuyển đến châu Á, nhưng nhân loại đã phải trả giá đắt khi bất công xã hội tăng lên cũng như sự quá tải của các hệ sinh thái.

Trong khi sự bất ổn định vẫn tiếp tục tồn tại ở các nước phát triển đe dọa động lực kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương, khu vực này cần tìm kiếm con đường thịnh vượng mới bền vững hơn.

Tuy nhiên, để đi tới con đường phát triển mới này, châu Á-Thái Bình Dương cần tư duy lại và tái cân bằng các nền kinh tế và các xã hội trong khu vực.

Tiến sỹ Noeleen Heyzer nêu rõ rằng châu Á-Thái Bình Dương có thể phát huy tiềm năng to lớn chưa được khai thác về tăng trưởng kinh tế bền vững và phổ quát nếu tăng cường hợp tác nhằm xây dựng thị trường châu Á-Thái Bình Dương hòa nhập hơn, kết nối khu vực hiệu quả hơn, hợp tác tài chính và phản ứng phối hợp trước các hiểm hoạ chung về môi trường và xã hội.

Tương lai thành công đòi hỏi các nền kinh tế khu vực không chỉ tăng trưởng cao nhất, mà còn phải tăng trưởng hiệu quả nhất, trong đó hệ sinh thái phải được bảo vệ tốt nhất. UNESCAP sẽ là diễn đàn đa phương để các nước châu Á-Thái Bình Dương tiến tới một tương lai chung như vậy.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước châu Á-Thái Bình Dương khẳng định các khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực là nền tảng để thực hiện tầm nhìn một châu Á-Thái Bình Dương gắn bó chặt chẽ hơn.

Để hòa nhập khu vực thành công, cần hỗ trợ quá trình hoà nhập các nhóm nước tiểu khu vực như ASEAN cả về kinh tế và xã hội. Hòa nhập kinh tế khu vực cũng sẽ tạo ra các nền kinh tế hiệu quả hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn và tăng cường phúc lợi của con người.

Hòa nhập khu vực cũng là nhân tố sống còn của các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm khơi dậy các tiềm năng về thương mại, đầu tư và phát triển tài nguyên vì lợi ích ngày càng tăng của các nước châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục