Châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân

Nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã lên án vụ Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo sáng sớm 29/8, kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa.
Châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân ảnh 1Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên trước khi được phóng tại một địa điểm bí mật. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã lên án vụ Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo sáng sớm 29/8, kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép với nước này.

Trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Ngoại trưởng Julie Bishop đã "kịch liệt lên án" hành động mới này của Triều Tiên, coi đây là động thái "gây ra một mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với hòa bình và ổn định trong khu vực."

Tuyên bố nhấn mạnh vụ phóng "là sự leo thang nghiêm trọng của Bình Nhưỡng" và là "hành động khiêu khích và đe dọa." Hai lãnh đạo Australia kêu gọi tất cả các nước tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và hối thúc Trung Quốc và Nga "sử dụng các đòn bẩy kinh tế song phương với Triều Tiên để thuyết phục Bình Nhưỡng" từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.


[Video] Thế giới "đứng ngồi không yên" vì tên lửa Triều Tiên

Indonesia và Philippines cũng lên án và bày tỏ lo ngại về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir kêu gọi Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, bao gồm việc tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho biết Philippines và ASEAN mong muốn phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Theo Ngoại trưởng, Philippines sẵn sàng giúp "tạo một môi trường mang tính xây dựng cho một cuộc đối thoại."

Trong khi đó, Cơ quan An ninh nội địa và dân phòng đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, tuyên bố sẽ "tiếp tục giám sát tình hình" và khẳng định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên "không đe dọa đảo Guam." Trước đó, vùng lãnh thổ này đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi Triều Tiên đe dọa bắn tên lửa vào vùng biển gần đảo này.

Sáng 29/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương ở khu vực phía Bắc Hokkaido. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên đã bay được khoảng 2.700km với độ cao tối đa đạt 550km. Các dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều khả năng đây là Hwasong-12, loại tên lửa tầm trung mà Bình Nhưỡng mới đây cảnh báo sử dụng để bắn tới đảo Guam.

Chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul (Hàn Quốc), nhà phân tích Kim Dong-yub cho biết cũng có thể loại tên lửa Triều Tiên vừa sử dụng là Musudan, có khả năng vươn tới hầu hết khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoặc là Pukguksong-2, loại tên lửa dùng nhiên liệu thể rắn vốn có thể bắn nhanh và bí mật hơn các loại vũ khí sử dụng nhiên liệu thể lỏng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục