Châu Âu, châu Phi nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vượt biển

Châu Âu mong muốn cùng các quốc gia châu Phi tăng nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vượt biển Địa Trung Hải và thúc đẩy các thỏa thuận đã ký với các nước châu Âu nhằm nhận trở lại công dân của mình.
Châu Âu, châu Phi nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vượt biển ảnh 1Cảnh sát Macedonia gác tại khu vực người di cư đợi để qua biên giới Hy Lạp-Macedonia gần thị trấn Idomeni, miền Bắc Hy Lạp ngày 21/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc họp các Bộ trưởng Nội vụ và Ngoại giao EU về khủng hoảng nhập cư sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10 tại Paris, Pháp - là cuộc họp nối tiếp hội nghị diễn ra ở Berlin nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào tháng 11 ở La Valette (Malta) về hợp tác với các quốc gia châu Phi nhằm chống tình trạng nhập cư trái phép vào châu Âu.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière, "việc các cơ quan châu Âu tiếp tục làm việc chậm chạp như hiện nay không thể chấp nhận được vì triển khai quá ít các quyết định đã được thông qua."

Tại Hội nghị Thượng đỉnh này, châu Âu mong muốn cùng các quốc gia châu Phi tăng cường nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vượt biển Địa Trung Hải và thúc đẩy các thỏa thuận đã ký với các nước châu Âu nhằm nhận trở lại công dân của mình. Bộ trưởng Maizière hy vọng Ủy ban châu Âu thúc đẩy thỏa thuận tiếp nhận trở lại với các quốc gia nơi người nhập cư có thể quay lại mà không sợ bị truy hại.

"Chúng tôi muốn đạt được kết quả cho tới khi các 'điểm nóng' được thiết lập từ nay tới cuối năm ở Hy Lạp và Italy," Bộ trưởng Maizière khẳng định.

Ông cũng đề cập đến các trung tâm phân loại ở Hy Lạp hay Italy nhằm phân biệt giữa những người có quy chế tị nạn và di dân kinh tế bất thường.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve kêu gọi cần một sự "hài hòa" trong pháp luật tị nạn ở châu Âu và "xác định danh sách các nước an toàn ở châu Âu, hợp tác chiều sâu ở cấp độ cảnh sát và tình báo," theo mô hình của những gì đã được ký kết sáng 20/8 tại Calais giữa Pháp và Vương quốc Anh.

Các biện pháp mới được áp dụng bao gồm tăng cường lực lượng an ninh cả hai bên đường hầm, lắp đặt hệ thống camera giám sát và nhiều thiết bị an ninh khác nhằm bảo vệ lối vào đường hầm từ phía cảng Cailais. Cơ quan quản lý đường hầm Eurotunnel sẽ được hỗ trợ tài chính để tăng thêm lực lượng an ninh tại chỗ.

Cùng với đó, Trung tâm chỉ huy tác chiến với sự tham gia của cảnh sát từ hai quốc gia cũng được thành lập với nhiệm vụ chính là bắt giữ và chặn đứng các âm mưu đưa người nhập cư trái phép vào miền Bắc nước Pháp và qua đường hầm Channel. Trung tâm chỉ huy mới sẽ có nhiệm vụ báo cáo liên tục tình hình với Bộ trưởng Nội vụ của hai quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục