Châu Âu tìm cách cứu vãn thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp

Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi một chuyên gia tới Athens nhằm thuyết phục nước này thực hiện cải cách hơn nữa để cứu vãn thỏa thuận cứu trợ tài chính.
Châu Âu tìm cách cứu vãn thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.u)

Ngày 13/2, Đức đã lên tiếng ủng hộ Hy Lạp ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi một chuyên gia tới Athens nhằm thuyết phục nước này thực hiện cải cách hơn nữa để cứu vãn thỏa thuận cứu trợ tài chính.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde tiếp tục giữ quan điểm thể chế tài chính này không thể dành thêm những ưu đãi đặc biệt đối với Hy Lạp, quốc gia đang rơi vào khủng hoảng và đã nhận ba gói cứu trợ tài chính kể từ năm 2010.

Động thái này được đưa ra sau khi EC dự báo tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp có thể đạt mức 2,7% trong năm nay và 3,1% trong năm 2018.

Mặc dù kinh tế phục hồi, nhưng theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras tình hình sẽ trở nên nguy hiểm nếu nước này không nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.

Tương lai của gói cứu trợ tài chính trị giá nhiều tỷ euro đang phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Athens trong việc thực thi cải cách kinh tế. Các chủ nợ của Hy Lạp cũng có sự bất đồng, khi IMF không muốn tham gia chừng nào Hy Lạp chưa đảm bảo được việc có thể tự thoát khỏi vòng xoáy nợ nần.

Đức, quốc gia tích cực nhất trong việc cứu trợ, tiếp tục thể hiện mong muốn giữ Hy Lạp lại Eurozone. Người phát ngôn của Chính phủ Đức Martin Schäfer khẳng định Đức sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp Hy Lạp.

Vào ngày 20/2, các Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Eurozone dự kiến sẽ gặp nhau tại Brussels, Bỉ để thảo luận về tiến trình cứu trợ tài chính đối với Hy Lạp. Mức thặng dư ngân sách của Hy Lạp là một trong những nguyên nhân gây bất đồng, khi IMF cho rằng mức thặng dư sẽ là 1,5% GDP trong khi chính phủ các nước Eurozone dự báo ở mức 3,5% GDP.

IFM cũng nhận định tỷ lệ nợ công của Hy Lạp sẽ giảm từ gần 198% GDP trong năm ngoái xuống hơn 177% GDP trong năm nay và gần 171% GDP vào năm 2018. Con số này vẫn ở mức rất không bền vững và Hy Lạp phải được xóa nợ. Trong khi đó, Đức và một số nước thuộc Eurozone lại cho rằng, nếu Hy Lạp đồng ý thực hiện tất cả những cải cách thì việc giảm nợ là không cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục