Châu Âu và Bắc Phi tìm kiếm giải pháp hạn chế dòng người từ Libya

Bộ trưởng Nội vụ các nước thuộc khu vực Trung Địa Trung Hải đã nhóm họp nhằm tìm kiếm các biện pháp phối hợp để hạn chế tình trạng người di cư từ Libya tới châu châu Âu tăng mạnh.
Châu Âu và Bắc Phi tìm kiếm giải pháp hạn chế dòng người từ Libya ảnh 1Người di cư bất hợp pháp ở Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh dòng người di cư từ Libya kéo tới châu Âu tăng mạnh, Bộ trưởng Nội vụ các nước thuộc khu vực Trung Địa Trung Hải đã nhóm họp ngày 20/3 tại thủ đô Roma (Italy) nhằm tìm kiếm các biện pháp phối hợp để hạn chế tình trạng này.

Tham gia cuộc họp gồm có Bộ trưởng Nội vụ các nước Libya, Malta, Áo, Pháp, Đức, Italy, Slovenia, Thụy Sỹ, Algeria và Tunisia, cùng với Uỷ viên phụ trách vấn đề di cư của Liên minh châu Âu (EU) Dimitris Avramopoulos.

Nhóm đã ra tuyên bố quyết tâm tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin trong nỗ lực hạn chế những nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn nạn di cư, cũng như trong cuộc chiến chống nạn buôn lậu và tăng cường an ninh biên giới.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti nhấn mạnh mục đích của cuộc họp là nhằm tăng cường giải pháp kiểm soát làn sóng di cư ồ ạt từ Libya, thay vì bị vấn nạn này chi phối.

Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya được Liên hợp quốc ủng hộ, cũng đã yêu cầu được hỗ trợ số trang thiết bị trị giá tới 800 triệu euro (860 triệu USD) để tăng cường kiểm soát bờ biển và các vùng mặt nước của nước này, bao gồm hệ thống rađa, tàu thuyền, trực thăng và các loại xe địa hình khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một số thiết bị mà Libya yêu cầu có thể nằm trong danh mục vũ khí bị Liên hợp quốc cấm nhập vào quốc gia xung đột này.

Cuộc gặp của các bộ trưởng nói trên cũng bàn về việc thành lập một trung tâm điều hành đặt tại Libya để phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển quốc tế ngoài khơi, nhằm san sẻ gánh nặng đối với Italy - quốc gia hiện đang phải kiểm soát và can thiệp ở cả những vùng biển ngoài phạm vi hàng hải của mình.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Le Roux nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo kỹ năng cho lính biên phòng Libya.

Hiện khoảng 90 thành viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đang hoàn tất khóa đào tạo kỹ năng trên biển của EU và Italy cũng đang chuẩn bị trả lại 10 tàu bảo vệ bờ biển cho Libya, từng bị Italy tịch thu hồi năm 2011.

Dự kiến, đội tàu này sẽ đi vào hoạt động trước tháng Tư hoặc đầu tháng Năm tới.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong cuối tuần qua, khoảng 3.300 người di cư đã được cứu từ các tàu ọp ẹp, cũ kỹ ngoài khơi Libya, nâng số lượng người di cư đến Italy lên gần 20.000 người tính từ đầu năm đến nay - một sự gia tăng đáng kể so với cùng kỳ những năm trước.

Làn sóng người di cư tiếp tục kéo tới trong ngày 20/3, trong đó lực lượng bờ biển Italy cho biết đã cứu được khoảng 1.800 người ngoài khơi bờ biển Libya.

Cũng trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng người di cư, Hungary ngày 21/3 đã đưa vào hoạt động căn cứ quân sự Hercegszántó với lực lượng thường trực khoảng 150 binh sỹ.

Căn cứ này nằm gần biên giới của Hungary với Serbia và cách thủ đô Budapest khoảng 220 km về phía Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary István Simicskó cho biết các binh sỹ đồn trú tại đây có nhiệm vụ ngăn ngừa nguy cơ hàng trăm nghìn người xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Hungary, tình trạng từng xảy ra hồi năm 2015.

Trước đó Thủ tướng Viktor Orban đã khẳng định, hàng rào dọc biên giới Hungary - Serbia sẽ được dựng lên nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư mới.

Theo ông, người dân các nước Đức và Áo có thể "ngủ yên" do Hungary đã và đang bảo vệ biên giới bên ngoài của EU.

Hồi cuối năm 2015, Hungary đã xây dựng một hàng rào dọc biên giới nước này với Croatia.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng nhập cư năm 2015 khoảng 450.000 người nhập cư đã tràn vào lãnh thổ Hungary qua khu vực Balkan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục