Châu Phi kêu gọi Nhật, cộng đồng quốc tế giúp chống khủng bố

Châu Phi kêu gọi Nhật Bản, cộng đồng quốc tế hỗ trợ chống khủng bố

Các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhấn mạnh rằng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang đe dọa sự phát triển của châu Phi, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ.
Châu Phi kêu gọi Nhật Bản, cộng đồng quốc tế hỗ trợ chống khủng bố ảnh 1 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay với lãnh đạo AU tại hội nghị. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27/8, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 6 diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya, các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhấn mạnh rằng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của châu Phi, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ châu lục này trong cuộc chiến chống khủng bố.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Nairobi, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Deby, đồng thời là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU), nêu rõ châu Phi cần có thêm các nguồn lực để chống khủng bố.

Tổng thống Kenyatta nhấn mạnh: “Chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa, thậm chí hủy hoại một số nước. Các tổ chức khủng bố đang phát triển mạng lưới của chúng ra toàn thế giới. Những kẻ khủng bố đang lợi dụng các xã hội dân chủ và cởi mở để phá hoại. Tác động tiêu cực từ chủ nghĩa khủng bố đối với nền kinh tế là hết sức nghiêm trọng. Do đó, chúng ta cần tăng cường mạnh mẽ sự phối hợp với các nước láng giềng và các đồng minh trong nỗ lực chống khủng bố." Trong khi đó, ông Deby đề nghị Nhật Bản và cộng đồng quốc tế đóng góp vào cho Quỹ chống khủng bố của AU.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng châu Phi cần có một ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để "đảm bảo có tiếng nói" trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.

Trước đó, ngày 27/8, phát biểu khai mạc TICAD lần thứ 6, ông Abe cam kết đầu tư 30 tỷ USD cho châu Phi trong vòng 3 năm tới, trong đó có 10 tỷ USD dành cho phát triển hạ tầng. Chính phủ Nhật Bản sẽ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào châu lục này, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng, vệ sinh môi trường, điện và giảm nghèo. Giới quan sát khu vực nhận định TICAD lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia châu Phi, vốn đang đối mặt với một loạt thách thức về kinh tế và an ninh.

Theo đánh giá của báo điện tử Gulfnews của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với khoản cam kết đầu tư trên, Nhật Bản đang cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi với Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết đầu tư 60 tỷ USD vào châu Phi khi Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị cấp cao châu Phi-Trung Quốc tại Nam Phi vào năm 2015.

Số vốn cam kết của Bắc Kinh được thực hiện dưới hình thức các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển. Trong khi đó, Mỹ cũng đã cam kết đầu tư 14 tỷ USD vào lục địa này tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi năm 2014.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Phi tại TICAD, Thủ tưởng Nhật Bản Abe khẳng định với 47 tỷ USD đã đầu tư vào châu Phi trong vòng 23 năm qua, Nhật Bản mong muốn kết nối châu Phi với châu Á thông qua các tuyến đường biển. Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh: "Đây sẽ là tuyến đường huyết mạch vì sự phát triển và thịnh vượng. Châu Phi và Nhật Bản sẽ cùng chia sẻ các lợi ích chung."

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cho rằng TICAD là cơ hội lớn đối với nền kinh tế châu Phi. Tuy nhiên, theo ông Kim, mặc dù Nhật Bản đã tăng mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi, song nguồn vốn này chiếm chưa tới 1% tổng FDI của Nhật Bản ra nước ngoài. Ông dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Phi sẽ chậm lại ở mức khoảng 2,5% trong năm 2016, so mức tăng trưởng bình quân trên 5% giai đoạn 2008-2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục