“Cháy” taxi ngày Tết

“Cháy” taxi ngày Tết, khách phải đặt lịch chủ xe

Trong suốt những ngày giáp Tết, lường trước việc các hãng taxi đều trong tình trạng “cháy xe” nên nhiều khách đặt lịch lái xe dịp này.
Dù đã kiên trì gọi đến tổng đài của hàng chục hãng xe taxi, bác Phạm Phú Thắng, ở Thanh Xuân, Hà Nội vẫn chỉ nhận được những tràng âm thanh tút dài, báo hiệu máy đầu gọi đến đang bận.

“Khi có hãng nghe máy thì chỉ nhận được lời từ chối từ tổng đài viên. Từ Mai Linh, Phù Đổng, Vạn Xuân, Thanh Nga... đến những hãng xe nhỏ đều kêu hết xe,” bác Thắng than thở.

Đã mệt phờ người, lại quá ngán ngẩm cảnh chờ xe nên bác Thắng quyết định sẽ di chuyển bằng phương tiện truyền thống là xe máy.

“Dù đi chúc Tết bằng xe máy sẽ bị lạnh, nhưng còn đỡ vất vả hơn cảnh đợi taxi,” bác Thắng chia sẻ.

Trong suốt những ngày giáp Tết tổng đài của các hãng taxi đều trong tình trạng “cháy máy” vì quá nhiều cuộc gọi đến. Khách muốn gọi xe chỉ còn biết cách… đứng đường vẫy.

Theo các hãng taxi, do nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp lễ hội ngày càng lớn nên việc khan hiếm xe trong những ngày Tết đã được dự đoán trước.

Trước Tết, hàng loạt hãng xe lớn như Hà Nội, Thanh Nga, Mai Linh… đã bổ sung thêm hàng trăm xe đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, do Tết năm nay lạnh, nên nhiều gia đình đều chọn phương án dùng taxi để di chuyển, tránh rét. Lượng khách gọi xe tăng cao đột ngột.

Còn anh Nguyễn Văn Toàn, người thường xuyên về quê trước Tết ở Ninh Bình, đã có biện pháp hẹn lái xe taxi từ hôm trước. Anh thuê xe trọn một ngày/đêm với mức giá thỏa thuận là 2.500.000 đồng.

Mặc dù biết là đắt nhưng anh đành chấp nhận vì họ phục vụ mình trong ngày rét mướt và có xe đi thì vẫn hơn.

Anh Toàn cho hay, kinh nghiệm đi nhiều về quê ăn Tết nên anh phải có số điện thoại của 1-2 lái xe quen, trước Tết chừng một tháng anh gọi điện hẹn lịch. Lái xe cũng rất thích những mối khách hàng như anh vì thường đi đường xa, bao trọn gói cả chiều đi và chiều về.

Theo anh Toàn, vào những ngày Tết thì không nên gọi đến tổng đài vì phần lớn các hãng "cháy" xe. Nếu không hẹn được lịch với lái xe quen thì nên ra đường vẫy xe là nhanh nhất.

Ngoài ra, rất nhiều taxi đã ký hợp đồng chở khách đi xa cả ngày nên lượng xe chạy trong nội thành cũng giảm hẳn. Trong khi đó, nhu cầu khách sử dụng phương tiện lại tăng mạnh, vì vậy hiện tượng cung không đủ cầu tất yếu đã xảy ra.

Những ngày Tết cũng là "cơ hội vàng" để taxi "dù" mặc sức bắt chẹt khách. Những loại xe này có đặc điểm không cần tổng đài, đồng hồ tính tiền và đo cây số không kẹp chì cũng như chạy nhanh bất thường nên cước phí thường đắt gấp rưỡi, gấp đôi so với xe chính hãng.

Một lái xe taxi cho biết thêm, trong những ngày nghỉ Tết tâm lý nhiều lái xe cũng mong về nhà vui Tết với gia đình, vì thế, khi đến ca trực, nhiều người chỉ chạy xe đủ mức khoán là tắt liên lạc, đưa xe về nhà nghỉ ngơi trong khi nhu cầu của khách ngày càng tăng.

Càng cận kề Tết Nguyên đán, nhiều tuyến đường của Hà Nội lại rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài trầm trọng, các lái xe taxi cũng “lo sợ” tình trạng tắc đường nên khi chạy sẽ không tính tiền bằng đồng hồ cây số mà tính hẳn chặng đường khách đi.

Nhiều khách đi taxi phải chờ đợi quá lâu nên cứ thấy xe tấp vào là lên xe, không cần biết xe của hãng nào.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, năm nào vào dịp Tết cũng xảy ra tình trạng "cháy" taxi. Năm nay, do thời tiết lạnh kéo dài nên nhu cầu đi lại bằng taxi tăng đột biến. Nững ngày nghỉ, ngày rét đậm đôi khi cũng xảy ra tình trạng khan hiếm xe.

Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội, tình trạng "cháy" taxi vào dịp Tết đã được báo trước vì đã trở thành thông lệ hàng năm. Việc này là do cầu quá cung, các hãng taxi không thể điều chỉnh được dù đã tăng xe.

“Để duy trì trật tự hoạt động taxi, Thanh tra giao thông cùng với lực lượng Cảnh sát trật tự tiến hành kiểm tra, xử phạt các quy định về dừng, đỗ xe...,” ông Mạnh cho hay.

Do khan hiếm taxi, xe buýt trở thành phương tiện đi lại của nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi.

Đứng đợi xe buýt ở gần trường Đại học Hà Nội, vợ chồng ông bà Hoàng ở Thái Thịnh, Hà Nội vui vẻ cho biết: "Năm nay, cả hai vợ chồng tôi quyết không phụ thuộc vào taxi. Đi Gia Lâm thì chỉ cần di chuyển bằng 2 chặng xe buýt là tới nơi.

Trong khi đó, ngày Tết xe buýt lại vắng người, không phải chen lấn nên chỉ một lúc là tới nơi. Hai người chỉ mất hơn chục nghìn tiền đi lại so với gần 200.000 đồng phải trả cho taxi,” bác Hoàng mách nước./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục