"Chỉ doanh nghiệp trong diện rủi ro mới phải thanh kiểm tra thuế"

Báo cáo của VCCI cho thấy, doanh nghiệp vẫn phàn nàn nhiều về khâu tiếp cận thông tin, công tác thanh kiểm tra hay sự phục vụ của công chức thuế.
"Chỉ doanh nghiệp trong diện rủi ro mới phải thanh kiểm tra thuế" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Khoảng 71% doanh nghiệp nhìn chung hài lòng với những cải cách về thủ tục hành chính thuế trong năm 2014. Tuy nhiên, với những yếu tố về tiếp cận thông tin, công tác thanh kiểm tra hay sự phục vụ của công chức thuế, sự phàn nàn của doanh nghiệp vẫn là không ít.

"Cải cách đang đúng hướng"

Đây là những kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết ngày 11/8 trong báo cáo "Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014."

Báo cáo được VCCI thực hiện sau khi khảo sát hơn 2.500 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố trên 5 lĩnh vực: Tiếp cận thông tin; Thực hiện thủ tục hành chính thuế; Công tác thanh kiểm tra thuế; Sự phục vụ của công chức thuế và Kết quả giải quyết công việc.

Với những tiêu chí trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, sự hài lòng của doanh nghiệp là trên 71%.

Cụ thể, 58% doanh nghiệp cho rằng, các thông tin về thủ tục hành chính thuế là đơn giản, dễ hiểu. Trong khi ấy, về công tác thanh kiểm tra, báo cáo cho thấy, khoảng 90% doanh nghiệp có đón tiếp các đoàn đồng ý với nhận định thời gian thanh tra, kiểm tra đúng với thời hạn trong quyết định đã ban hành.

"Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong các lần làm việc tại doanh nghiệp," ông Tuấn nói.

Một trong những vấn đề được lòng doanh nghiệp khác là "tác động của những thay đổi pháp luật thuế trong 5 năm qua." Đây là câu hỏi đã nhận được nhiều sự hài lòng với 92% doanh nghiệp đồng tình với nhận định "tích cực."

Trong số này, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là hai sắc thuế mà tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện nhiều nhất.

"Kết quả khảo sát cho thấy những cải cách mà ngành thuế tiến hành trong thời gian qua là đúng hướng, đang được đẩy nhanh và bước đầu thu được những thành công," ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCT đánh giá.

Thanh tra vẫn theo tư duy "truyền thống"?

Mặc dù có tỷ lệ hài lòng lên tới 71% nhưng với từng lĩnh vực khảo sát cụ thể, những phàn nàn từ phía doanh nghiệp cũng không ít.

Báo cáo cho thấy, về lĩnh vực tiếp cận thông tin thuế, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế.

Ngoài ra, gần một nửa trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết từng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế (49%). Hai nhóm thủ tục mà doanh nghiệp được gặp vướng mắc nhiều nhất là đăng ký thuế và khai thuế.

Đa số các doanh nghiệp cho rằng phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Ngoài ra, cũng có tình trạng cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thông tin thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài.

Trong lĩnh vực phục vụ của công chức thuế, đại diện VCCI cho biết, có khoảng 40% doanh nghiệp cho rằng họ sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả các chi phí không chính thức.

Với công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, có 26% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh, kiểm tra còn trùng lặp. Đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp cho rằng "cần cải thiện."

Nói thêm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, cơ quan khảo sát cũng nhận được phản ánh tình trạng "lạm dụng." Thậm chí, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp càng lớn càng có xu hướng phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Đây cũng là thực tế được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận. Ông Tuấn thẳng thắn chỉ ra tư duy "truyền thống" của một số cán bộ: "Kiểm tra không ra kết quả thì cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ." Bởi vậy, theo ông, doanh nghiệp lớn theo tư duy của nhiều người là "làm nhiều thì khả năng sai nhiều" nên sẽ dễ được chọn thanh tra.

Tuy vậy, theo ông, đây là vấn đề đang được sửa đổi theo hướng quản lý rủi ro. Thứ trưởng Tuấn khẳng định, quá trình này đòi hỏi phải xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 500.000 doanh nghiệp hiện tại. Trên cơ sở đó, ngành thuế phải xác định được vùng rủi ro và chỉ doanh nghiệp trong diện rủi ro, cơ quan chức năng mới được quyền thanh tra.

"Đây là kinh nghiệm tốt của nhiều nước, không thể thanh kiểm tra theo cảm tính," Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói/..

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục