Chi phí chữa bệnh tim ở Mỹ tăng gấp ba vào 2030

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ngày 24/1 nói rằng tổng chi phí dành cho việc chẩn đoán và chữa trị bệnh tim ở Mỹ sẽ tăng gấp ba vào 2030.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) ngày 24/1 nói rằng tổng chi phí dành cho việc chẩn đoán và chữa trị bệnh tim ở Mỹ sẽ tăng gấp ba vào năm 2030 và mỗi năm sẽ ngốn hơn 800 tỷ USD.

Theo AHA, vào năm 2030 tổng chi phí điều trị bệnh tim mạch sẽ tăng khoảng 10% và riêng việc điều trị huyết áp cao sẽ là chi phí tăng cao nhất, lên tới 389 tỷ USD.

Đây thật sự là một "tin xấu" đối với nước Mỹ, hiện vẫn là quốc gia có chi phí y tế tính theo đầu người cao nhất trên thế giới trong số những nước phát triển.

Tuần trước, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa đối lập kiểm soát đã thông qua một dự luật mà có thể bãi bỏ luật cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, dự luật này có nhiều khả năng không được Thượng viện thông qua.

AHA cũng dự báo rằng số lượng các trường hợp bị mắc bệnh tim cũng sẽ tăng 10% trong vòng 20 năm tới nếu như không có gì thay đổi, bao gồm tỷ lệ hút thuốc lá và bệnh béo phì.

"Vào năm 2030, chúng tôi ước tính rằng 40% người trưởng thành ở Mỹ, khoảng 116 triệu người, sẽ bị mắc một hay nhiều triệu chứng của bệnh tim mạch," AHA cho biết.

Bệnh tim mạch hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ và hầu hết các quốc gia phát triển khác, chiếm tới 17% tổng chi phí dành cho y tế ở Mỹ.

Trong tháng này, chính quyền Mỹ đã thông báo các dữ liệu cho thấy chi tiêu đối với các dịch vụ bệnh viện, thăm khám của bác sỹ, thuốc men và các nhu cầu y tế khác tăng 4% lên tới 2.500 tỷ USD trong năm 2009./.

Khắc Hiếu/Washington (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục